Website Trường Mầm Non Đại Hiệp – Đại Lộc – Quảng Nam

BÁO CÁO SÁNG KIẾN MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ 3-4 TUỔI PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ MẠCH LẠC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BÁO CÁO SÁNG KIẾN
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ 3-4 TUỔI
PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ MẠCH LẠC
1. Mô tả bản chất của sáng kiến7:
Như chúng ta đã biết ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của con người, có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ngôn ngữ giúp con người trao đổi, chuyện trò, giao tiếp, nói lên suy nghĩ, mong muốn của bản thân và truyền đạt thông tin trong cuộc sống với nhau.
Đối với trẻ độ tuổi mầm non, đây là giai đoạn trẻ học nói, vốn từ của trẻ hạn chế, phát âm chưa rõ ràng, ngôn ngữ chưa mạch lạc, chưa hiểu hết lời nói trong giao tiếp hàng ngày và chưa hiểu được các từ khó. Vì thế việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng đối với chương trình giáo dục mầm non. Thông qua các hoạt động giáo dục hàng ngày giúp ngôn ngữ của trẻ phát triển và dần hoàn thiện. Trong đó hoạt động Làm quen văn học là một trong những hoạt động đóng vai trò then chốt giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tốt nhất.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề. Tôi luôn trăn trở tìm ra giải pháp phù hợp để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và tôi nhận thấy rằng thông qua hoạt động Làm quen văn học với việc cho trẻ đọc thơ, kể chuyện, đàm thoại, đóng kịch v.v. sẽ giúp ngôn ngữ của trẻ phát triển, trẻ nói rõ ràng trọn câu hơn, kể lại đoạn chuyện hoặc tham gia đóng kịch thể hiện được ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật v.v. Vì thế tôi đã chọn đề tài “Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi phát triển ngôn ngữ mạch lạc” để áp dụng với các nội dung sau:
1.1. Các giải pháp thực hiện, các bước và cách thức thực hiện:
Giải pháp 1: Rèn giọng nói, giọng đọc, giọng kể diễn cảm, phát âm chuẩn của giáo viên khi lên lớp, trong giao tiếp và khi trò chuyện với trẻ.
Trong hoạt động Làm quen văn học, giọng kể, giọng đọc của cô giáo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảm xúc và sự chú ý đặc biệt cho trẻ. Để giờ học đạt kết quả cao tôi chú ý giọng kể, giọng đọc phải thật truyền cảm, khi kể chuyện thể hiện được tính cách, nội tâm của nhân vật. tôi thường xuyên luyện giọng của mình bằng những tình tiết sôi động, trầm tĩnh, nhẹ nhàng tùy theo tính cách của nhân vật, tùy theo cảm hứng lên xuống theo nhịp điệu vần thơ cho diễn cảm, cho nhẹ nhàng để lời nói, giọng đọc của tôi đi vào lòng các cháu. Tôi chú ý rèn ngôn ngữ để ngôn ngữ nói của mình trôi chảy, lưu loát tạo thói quen cho mình trong bất cứ tình huống nào không để xảy ra ấp a ấp úng, phát âm sai, ngượng ngịu trước mọi người. Cô giáo là thần tượng của trẻ, mọi cử chỉ, hành động, lời nói của cô là tấm gương để trẻ noi theo, trẻ rất thích bắt chước theo cô giáo. Vì vậy để giúp trẻ phát âm đúng, rõ lời tôi phải thường xuyên rèn luyện giọng nói chuẩn tránh tiếng địa phương, phát âm rõ ràng, nói lưu loát.
VD: Khi kể cho trẻ nghe câu truyện “ Chú dê đen” Tôi đã rèn giọng đọc, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt của mình như sau:
+ Nhân vật Chú dê đen: Giọng, cử chỉ mạnh mẽ, dứt khoát , điệu bộ dũng cảm, hiên ngang, nét mặt nghiêm nghị…
+ Nhân vật dê trắng: Giọng điệu, cử chỉ nhút nhát, rụt rè, điệu bộ sợ hãi…
Giải pháp 2: Giúp trẻ biết cách dùng từ, sử dụng câu phù hợp, phát âm đúng, rõ lời, tự tin trình bày trước mọi người.
Ngôn ngữ lưu loát, nói năng mạch lạc sẽ giúp cho người ta tự tin hơn trong giao tiếp, đối với trẻ nhỏ cũng vậy, không dám phát biểu, ấp a, ấp úng khi cô yêu cầu trả lời, ngại nói trước đám đông, trước các bạn, trước cô trong giờ học ở lớp, đó là do trẻ còn hạn chế về ngôn ngữ, thiếu tự tin, không biết cách diễn đạt ý, không biết cách dùng từ, nói ngọng, nói lắp, nói không rõ lời,… để giúp trẻ tự tin, biết cách dùng từ, phát âm đúng, rõ lời thì trước hết cô giáo phải giúp trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động, tăng cường khả năng nghe, nói bằng nhiều hình thức, qua trao đổi, vui chơi với bạn, với cô ở hoạt động vui chơi, hoạt động học, hoạt động ngoài trời, hoạt động tự do….tôi luôn trò chuyện, đặt câu hỏi để trẻ trả lời và khuyến khích, động viên, khen trẻ khi trẻ đưa ra ý kiến, không chê trẻ khi trẻ trả lời chưa đúng mà chỉ gợi ý và đưa ra hướng dẫn giúp trẻ trả lời và luôn chú ý sửa sai cho trẻ. Trong giờ kể chuyện, đọc thơ, đồng dao hay ca dao, tôi thường gọi trẻ kể lại câu chuyện, đọc diễn cảm lại bài thơ, tôi chú ý sửa sai cách phát âm cho trẻ, cho trẻ phát âm lại nhiều lần những từ trẻ phát âm không rõ hay nói ngọng để trẻ nhớ, giúp trẻ phát âm đúng, chuẩn, rõ lời.
Ví dụ: Bài thơ: “ Yêu mẹ”
Mẹ đi làm
Từ sáng sớm (Chán chớm)
Dậy thổi cơm ( Chổi cơm )
Mua thịt cá… ( Chịt cá)
Tôi hướng dẫn giúp trẻ phát âm chuẩn, dạy trẻ thuộc nhiều thơ, biết nhiều câu chuyện, giúp trẻ hiểu một số từ khó “thổi cơm…” hiểu từ chính xác hơn như “sáng sớm”…
Giải pháp 3: Sử dụng hệ thống câu hỏi gợi mở kích thích trẻ tư duy và biết cách dùng câu từ phù hợp để trả lời.
Việc tổ chức hoạt động theo hướng “Lấy trẻ làm trung tâm” thì hệ thống câu hỏi đóng vai trò quan trọng khi tổ chức hoạt động cho trẻ. Câu hỏi gợi mở sẽ kích thích trẻ tư duy, sáng tạo, phát huy hết khả năng tư duy của trẻ. Tôi luôn chú ý đến: Câu hỏi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, phân bổ câu hỏi cho tất cả các trẻ, trẻ tích cực đến trẻ nhút nhát không tập trung. Đặt ít câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi câu hỏi phải khiến suy nghĩ để trả lời; khuyến khích trẻ đặt câu hỏi; trân trọng câu hỏi và câu trả lời của trẻ.
Ví dụ: Câu chuyện : “Thỏ con không vâng lời”
– Trong câu chuyện cô vừa kể có những nhân vật nào?
– Thỏ mẹ dặn dò thỏ con điều gì?
– Vì Thỏ con không vâng lời mẹ nên thỏ đã như thế nào ?
– Về đến nhà Thỏ con nói điều gì với mẹ ?
– Nếu con là Thỏ con con sẽ làm gì?
– Con có thể đặt tên khác cho câu chuyện không?
Qua những câu hỏi gợi mở giúp trẻ tư duy, nhớ lại câu từ mà cô giáo dạy để trả lời. Đặc biệt là những câu hỏi liên hệ thực tế, câu hỏi tình huống sẽ kích thích trẻ suy nghĩ tìm câu trả lời, đưa ra ý kiến của bản thân và có ý thức về những việc tốt nên làm và việc xấu nên tránh.
Ví dụ: Một số câu hỏi mở kích thích trẻ suy nghĩ: Con nghĩ thể nào? Làm sao con biết? Sao con lại nghĩ như vậy? Nếu.. thì sao? Nếu không…thì sao? Theo con thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Với con, con sẽ làm như thế nào?
Từ đó tất cả trẻ trong lớp đều tham gia tích cực, sôi nổi. Như vậy vừa giúp trẻ phát âm đúng, phát triển vốn từ, ngôn ngữ trôi chảy, vừa giúp trẻ tự tin đưa ra ý kiến, biết sử dụng ngôn ngữ để đưa ra câu trả lời phù hợp và mạnh dạn phát biểu trước lớp. Đồng thời sẽ giúp trẻ cảm thụ văn học một cách tích cực, sâu sắc hơn, trẻ nhớ nội dung câu chuyện lâu hơn và khi đóng kịch, trẻ sẽ thể hiện được tính cách nhân vật một cách tự nhiên chân thật và có cảm xúc.
Giải pháp 4: Chuẩn bị đồ dùng, hình ảnh sinh động, lựa chọn hình thức tổ chức sinh động nhằm thu hút trẻ tham gia tích cực vào hoạt động.
Đồ dùng trực quan sinh động và hình thức tổ chức hấp dẫn, mới lạ sẽ đem lại hiệu quả cao khi tổ chức hoạt động Làm quen văn học. Xác định được tầm quan trọng đó tôi đã thực hiện một số việc như:
Tôi thường chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng phục vụ cho môn học này như: Mô hình kể chuyện rối tay; Tranh 3D; Sa bàn di động; Rối que; Rối tay; Mũ nhân vật; Bảng quay kỳ diệu; Tranh nền; Hình ảnh cắt rời; Hình ảnh động trên powerpoint v.v. phù hợp với nội dung câu chuyện, bài thơ.
Với Sa bàn di động, hình thức đẹp mắt, màu sắc hài hòa, nhân vật đẹp để kể chuyện, kể đến đoạn nào sa bàn di động, các nhân vật hiện ra một cách bí ẩn làm trẻ hứng thú, tập trung cao độ vào bài giảng, trẻ chăm chú nhìn vào nhân vật như muốn xem thử nhân vật nào lại xuất hiện tiếp theo trong câu chuyện cô kể. Tượng tự, Tranh 3D; Mô hình kể chuyện rối tay; Hình ảnh động trên powerpoint; giúp tôi thay đổi hình thức kể chuyện tạo hấp dẫn, mới lạ cho trẻ.
Tôi sử dụng Sân khấu kịch rối và chuyển thể câu chuyện thành vở kịch để trẻ xem. Ngoài việc trẻ được nghe cô kể chuyện trẻ còn được xem kịch rối hấp dẫn, bằng các nhân vật sinh động tạo sự tập trung chú ý; lời thoại nhân vật dễ hiểu, thể hiện âm điệu, giọng nhân vật giúp trẻ dễ hiểu câu chuyện hơn, khắc sâu hơn nội dung câu chuyện.
Rối que, rối tay, mũ nhân vật đây là đồ dùng cho trẻ tham gia kể chuyện, đóng kịch ngoài việc cho trẻ sự hấp dẫn, thích thú còn tạo cho trẻ cảm giác chính mình là nhân vật đó từ đó trẻ thể hiện rõ hơn biểu cảm, tính cách nhân vật.
Bảng quay kỳ diệu; Tranh nền; Hình ảnh cắt rời; tôi tổ chức hình thức sinh động cho trẻ tham gia đàm thoại và trò chơi.
Ví dụ: Phần đàm thoại thay vì cô đặt câu hỏi và gọi trẻ trả lời tôi muốn thích trẻ tham gia tích cực hơn bằng cách: Giới thiệu “Bảng quay kỳ diệu” Trên bảng quay ở mỗi ô tôi dán hình ảnh một nhân vật hay một chi tiết nào đó trong câu chuyện, cho trẻ xung phong lên quay kim dừng ở ô nào thì trẻ trả lời 1 câu hỏi liên quan đến hình ảnh ở ô đó. Với hình thức này sẽ tránh việc áp đặt trẻ đồng thời tạo cho trẻ sự bất ngờ khiến trẻ phải tập trung suy nghĩ.
Bên cạnh việc chuẩn bị đồ dùng tôi luôn suy nghĩ thay đổi hình thức tổ chức mới lạ, nhẹ nhàng, để trẻ tham gia tích cực.
Hoạt động mở đầu và giới thiệu vào bài tôi sử dụng linh hoạt các thủ thuật tạo sự bất ngờ và khơi gợi cảm xúc để thu hút trẻ tham gia hứng thú.
Giải pháp 5: Hướng dẫn trẻ kẻ chuyện sáng tạo giúp phát triển ngôn ngữ mạch lạc.
Để trẻ tham gia và đạt hiệu quả đối với hoạt động kể chuyện sáng tạo thì đòi hỏi cô giáo phải có cả một quá trình giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và có vốn từ để có thể tham gia tốt hoạt động này.
Việc trẻ thường xuyên trò chuyện, thảo luận với các bạn giúp trẻ mạnh dạn hơn và ngôn ngữ của trẻ cũng được phát triển, vì khi chơi với bạn trẻ tự nhiên dễ hòa đồng hơn, cô giáo là người cùng tham gia, gợi ý, giúp đỡ những trẻ hạn chế. Tôi vận dụng dạy trẻ tập kể chuyện mọi lúc mọi nơi cho trẻ làm quen với việc nhìn hình ảnh và tự suy nghĩ kể thành một câu chuyện. Sau đây là một số cách dạy trẻ kể chuyện sáng tạo mà tôi đã áp dụng:
Trong hoạt động đón trẻ, hoạt động chiều tôi đưa trẻ đến góc chủ đề và trò chuyện với trẻ về những hình ảnh đã trang trí, tôi kể cho trẻ nghe một câu chuyện mà tôi nghĩ ra về những hình ảnh đó, rồi đặt tên cho câu chuyện, sau đó mời tiếp tục tôi mời một số trẻ mạnh dạn, ngôn ngữ tốt kể sáng tạo một câu chuyện theo suy nghĩ của trẻ. Ban đầu câu chuyện của trẻ kể có thể không logic, không hay, trẻ dùng câu cụt, chưa biết sử dụng từ nối v.v. nhưng khi trẻ kể xong tôi thể hiện sự hài lòng, rất vui và tuyên dương trẻ, khen trẻ, tặng cho trẻ những lời khen ngợi hoặc một món quà nhỏ. Đặc biệt không chê trẻ, tôi chỉ cung cấp thêm một vài cụm từ để giúp trẻ có thêm vốn từ và tạo cho tất cả trẻ đều có cảm giác thích được thể hiện, thích được cô khen như bạn và cảm thấy bản thân mình cũng sẽ làm được như bạn.
Dạy trẻ tự làm sách, tranh, truyện tranh và sau đó cho trẻ tập kể về hình ảnh trong bức tranh, truyện tranh mình đã làm. Hoặc tôi tận dụng những bức tranh có sẵn để trẻ kể chuyện và tập đặt tên
Qua một thời gian trẻ rất tự tin, ngôn ngữ lưu loát và có vốn từ phong phú, trẻ tích cực suy nghĩ và sáng tạo ra những câu chuyện hay hơn trước.
1.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết (nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở):
Khi đi vào thực hiện đề tài “Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi phát triển ngôn ngữ mạch lạc” tại lớp Bé 2 trường mầm non Đại Hiệp có những thuận lợi nhất định như:
– Nhà trường quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo đáp ứng yêu cầu CSGD trẻ.
– Định biên trẻ trên lớp đảm bảo đúng quy định, 100% trẻ học đúng độ tuổi.
– Giáo viên trên lớp: 2 giáo viên/lớp đảm bảo quy định, giáo viên có trình độ trên chuẩn và có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công tác, yêu nghề, mến trẻ, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi.
– Đa số phụ huynh quan tâm đến trẻ, có tinh thần phối hợp tốt trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
*Những khó khăn, hạn chế:
– Đa số trẻ mới đến trường nên còn hạn chế về ngôn ngữ cụ thể: 5/22 trẻ nói ngọng, đớt, phát âm không rõ; 8/22 trẻ phát biểu chưa trọn câu; 4/22 trẻ chưa mạnh dạn tự tin tham gia phát biểu, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ hạn chế khi đưa ra được ý kiến cá nhân.
Vì thế khi áp dụng sáng kiến “Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi phát triển phát triển ngôn ngữ mạch lạc ” sẽ đem lại những hiệu quả như:
– Giúp trẻ phát âm rõ ràng, cải thiện được được vấn đề nói ngọng và đớt của trẻ thông qua việc thường xuyên rèn phát âm từ khó và sửa sai.
– Giúp trẻ mạnh dạn phát biểu, trả lời trọn câu và có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ phù hợp để nêu lên ý kiến cá nhân thông qua trò chuyện, đàm thoại, hoạt động nhóm, thảo luận kể chuyện sáng tạo.
– Giúp trẻ tự tin sử dụng ngôn ngữ một cách mạch lạc có logic và thể hiện được ngữ điệu, âm sắc của giọng nói thông qua hoạt động đọc thơ, kể chuyện, đóng kịch, kể chuyện sáng tạo .v.v.
– Giúp trẻ có thêm vốn từ phong phú từ đó trẻ có kỹ năng diễn đạt được suy nghĩ và những điều trẻ thấy cũng như cảm nhận về môi trường xung quanh.
1.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến8:
Với những giải pháp mà tôi đã thực hiện tại lớp trong thời gian qua đã chứng minh khả năng áp dụng được tất cả các hoạt động như: PTNT, PTNN, PTTM, PTTCXH áp dụng trong lớp Bé 2 nói riêng và trong trường mầm non đại hiệp nói chung.
*Về phía trẻ
Trẻ có kỹ năng trong hoạt động làm quen văn học.
Khả năng kể chuyện sáng tạo cao hơn.
*Về phía giáo viên
Cô đã nắm vững trình tự và phương pháp trong bộ môn làm quen văn học trong các hoạt động.
Giáo viên có thêm kinh nghiệm xử lý một số tình huống sư phạm trong quá trình giáo dục trẻ, cách giao tiếp, trao đổi.
*Về phía phụ huynh
Phụ huynh có sự thay đổi suy nghĩ về giáo dục của giáo viên đối với trẻ từ đó phụ huynh nhiệt tình phối hợp với cô giáo và nhà trường cùng thực hiện tốt việc rèn luyện ý trong các hoạt động cho trẻ và yên tâm hơn khi đưa con đến lớp.
Phụ huynh rất vui khi mỗi ngày đưa con em mình đến trường và có niềm tin hơn khi giao con mình cho giáo viên.
1.5. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:
Để thực hiện áp dụng sáng kiến này cần phải có một số điều kiện, phương tiện cần thiết sau đây:
a. Điều kiện về con người
Cần phải lập được kế hoạch, xây dựng bài giảng theo chủ đề một cách cụ thể, chi tiết, sáng tạo .
Cần có sự thống nhất về kế hoạch, nội dung, hình thức tổ chức thực hiện của tập thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
Bồi dưỡng chuyên môn và thực hiện chuyên đề ở trường về phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ
Giáo viên thường xuyên học hỏi, thay đổi hình thức về phương pháp tổ chức hoạt động ngoài trời “Lấy trẻ làm trung tâm” để tạo hứng thú, tích cực cho trẻ hoạt động.
Giáo viên phải có sự bao quát trẻ tốt khi tham gia hoạt động.
b. Điều kiện về cơ sở vật chất
Địa điểm tổ chức phải đảm bảo phù hợp, sạch sẽ và an toàn cho trẻ.
Phòng học rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ.
Các điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị và đồ dùng, đồ chơi học liệu hiện có tại lớp mầm non, đồ dùng đồ chơi tự làm của cô giáo và phụ huynh.
1.6. Hiệu quả sáng kiến mang lại9:
Sau khi áp dụng những giải pháp trên đến thời điểm này tôi nhận thấy chất lượng giáo dục về lĩnh vực phát triển ngôn ngữ được tăng lên rõ rệt. Trẻ biết cách dùng từ, nói rõ lời, chuẩn câu hơn, vốn từ phong phú đa dạng hơn, trẻ được hình thành những thói quen mạnh dạn trả lời câu hỏi trong giao tiếp với mọi người.
Khả năng tư duy sáng tạo, ngôn ngữ của trẻ ngày càng phong phú nhờ các hoạt động trải nghiệm như: Kể chuyện sáng tạo, kể chuyện theo tranh, trả lời câu hỏi của cô: Vì sao? Thế nào? Con sẽ làm gì?……
Trẻ mạnh dạn tự tin, nhanh nhẹn hơn trong các hoạt động, ngôn ngữ phát triển mạch lạc giúp cháu mạnh dạn tự tin khi giao tiếp với cô, các bạn và mọi người xung quanh.
*Kết quả: 80% số trẻ trong lớp linh hoạt trong giao tiếp, phát biểu to, rõ ràng, nói trọn câu; Trẻ hiểu được nội dung bài thơ, câu chuyện và trả lời một cách rõ ràng; Trẻ thích tìm tòi, khám phá, trò chuyện với cô và bạn trong các hoạt động chung cũng như hoạt động góc; 80% trẻ trả lời mạch lạc, tròn câu, đọc thơ diễn cảm.
2. Những thông tin cần được bảo mật – nếu có:
3. Danh sách những thành viên đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng
sáng kiến lần đầu – nếu có:
TT Họ và tên Ngày tháng năm sinh Nơi công tác Chức danh
1 Nguyễn Thị Tú Trinh 1992 Trường MN Đại Hiệp Giáo viên
2 Lê Thị Thắm 1990 Trường MN Đại Hiệp Giáo viên
Đại Hiệp, ngày 03 tháng 11 năm 2022
Người nộp đơn

Phạm Thị Thanh Thủy

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.