Website Trường Mầm Non Đại Hiệp – Đại Lộc – Quảng Nam

GIÁO ÁN CHỦ ĐỀ: THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT HOẠT ĐỘNG: TẠO HÌNH ĐỀ TÀI: NHỮNG CHÚ CÁ XINH ĐẸP Độ tuổi: 4-5 tuổi Người dạy: Huỳnh Thị Thu

GIÁO ÁN
CHỦ ĐỀ: THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT
HOẠT ĐỘNG: TẠO HÌNH
ĐỀ TÀI: NHỮNG CHÚ CÁ XINH ĐẸP
Độ tuổi: 4-5 tuổi
Người dạy: Huỳnh Thị Thu
I. Mục đích yêu cầu:
1. Kiến thức:
– Trẻ biết một số loại cá, các bộ phận của cá và môi trường sống của cá
– Trẻ biết làm những chú cá từ lá cây
2. Kỹ năng:
– Rèn trẻ kỹ năng cầm kéo, cắt, ghép hình tạo nên sản phẩm đẹp
– Phát triển kỹ năng khéo léo của đôi tay, khả năng sáng tạo cho trẻ
– Phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật khi mô tả về sản phẩm.
3. Giáo dục:
– Giáo dục trẻ chăm sóc, bảo vệ môi trường sống cho loài cá bằng cách không vứt rác xuống ao, hồ, biển
II. Chuẩn bị :
– Giáo án điện tử.
– Lớp học sạch sẽ và an toàn.
– Các bài nhạc về thế giới động vật
– Tranh mẫu, vật mẫu
– Các loại lá cây, bút lông, kéo, keo dán
III. Tiến hành hoạt động:
1. Hoạt động mở đầu:
– Lắng nghe, lắng nghe
Con gì có vẩy có đuôi
Tung tăng bơi lội
Khắp nơi trong hồ
Đố là con gì?
– Chúng ta cùng uốn lượn theo những chú cá, trẻ vận động bài hát “cá vàng bơi”
– Hỏi trẻ con cá sống ở đâu? Cá cung cấp cho ta những gì?
– Để bảo vệ cá chúng ta cần làm gì?
+ Giáo dục trẻ chăm sóc, bảo vệ môi trường sống cho loài cá bằng cách không vứt rác xuống ao, hồ, biển
2. Hoạt động nhận thức:
+ Cho trẻ xem đoạn clip về một số loại cá
– Các con thấy gì trong đoạn clip? (nhiều con cá, con cá đang bơi, con cá vàng,…)
– Cô còn nhiều điều thú vị dành cho các con (cho trẻ xem mẫu)
+ Trò chuyện về tranh mẫu:
– Các con nhìn xem cô có bức tranh gì đây?
– Các con có nhận xét gì về bức tranh?
– Cho trẻ quan sát tranh con cá và hỏi trẻ có nhận xét gì? (các bộ phận của con cá và cách tạo nên con cá)
– Cô nói: Từ những chiếc lá cây to nhỏ, dài ngắn khác nhau, cô đã tạo thành bức tranh có những chú cá rất xinh đẹp, cô chọn chiếc lá to tròn, chiếc lá to dài làm mình cá, chiếc lá nhỏ hơn cô làm đuôi cá, và chiếc lá nhỏ hơn nữa làm vây, để gắn những chiếc lá thành những chú cá này vào giấy cô dùng keo dính 2 mặt cô dán vào mặt sau của chiếc lá, cô dùng bút dạ cô vẽ phần đầu cho chú cá là một nét cong, một nét cong nhỏ làm miệng cá, mắt chú cá là chấm tròn ở phần đầu, kề bên có cô rong đẹp như tơ nhuộm đang uốn lượn cùng chú cá xinh đẹp đấy các con.
+ Trò chuyện về vật mẫu
– Cô nói: Trốn cô-trốn cô (trẻ nhắm mắt)
– Cô hỏi: Lại là điều thú vị gì đây?
– Các con xem cô có gì trong hồ cá? Các con quan sát xem chú cá này như thế nào? (trẻ nhận xét về các bộ phận của cá)
– Cô nói: Chú cá này rất xinh xắn phải không, chú cá này được cô làm bởi thân cây lục bình đấy các con, muốn làm được chú cá cô chọn thân cây có phần phình ra như thế này, vây cá là chiếc lá được cắt đôi, trên đoạn phình ra cô ước lượn chỗ để gắn các vây cá sau cho cân đối, cô dùng mũi kéo cô chọc nhẹ nhàng 2 bên và phía trên đoạn phình, cô gắn chiếc lá cắt đôi vào mình cá, chú cá có đôi mắt thật tròn trĩnh, cô dùng bút dạ vẽ 2 chấm tròn và cô đã tạo thành chú cá rất dễ thương, chú cá này rất dễ làm, mỗi các con muốn làm bao nhiêu chú tùy các con thích nhé
+ Hỏi trẻ cách thực hiện
– Muốn làm được bức tranh có những chú cá con sẽ làm gì? (trẻ nêu)
– Còn chú cá làm từ thân cây lục bình thì các con làm như thế nào?
– Tay đâu, tay đâu. Các con cùng tập cho đôi tay của mình khỏe đi nào.
+ Trẻ thực hiện:
– Trẻ về vị trí và thực hiện
– Trẻ thực hiện cô quan sát động viên trẻ, gợi ý trẻ khá sáng tạo thêm chi tiết hoàn thành bức tranh.
+ Trẻ trưng bày sản phẩm.
– Nhận xét sản phẩm.
– Cho 2-3 trẻ nhận xét sản phẩm.
– Cô nhận xét sản phẩm.
– Tuyên dương trẻ.
3. Hoạt động kết thúc:
– Minh họa theo nhạc bài “Bé đếm cá”

********************

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.