Website Trường Mầm Non Đại Hiệp – Đại Lộc – Quảng Nam

GIÁO ÁN HOẠT ĐỘNG: LÀM QUEN VỚI TOÁN CHỦ ĐỀ: NGÀNH NGHỀ GV: TRẦN THỊ DUNG

GIÁO ÁN
HOẠT ĐỘNG: LÀM QUEN VỚI TOÁN
CHỦ ĐỀ: NGÀNH NGHỀ
Đề tài: ĐO MỘT VẬT BẰNG CÁC ĐƠN VỊ ĐO
1. Mục đích – yêu cầu
* Kiến thức:
– Trẻ biết đo một vật bằng các đơn vị đo, biết so sánh và nói được kết quả đo.
– Trẻ biết được cùng một vật nhưng dùng các thước đo khác nhau có kết quả đo khác nhau.
* Kĩ năng:
– Rèn kỹ năng quan sát, thao tác đo, đếm, phát triển khả năng ghi nhớ có chủ định.
– Rèn kỹ năng dùng thuật ngữ toán học.
* Giáo dục:
– Giáo dục trẻ biết hợp tác với bạn khi tham gia các trò chơi.
2. Chuẩn bị:
– Đồ dùng của cô
+ Tấm vải, 2 thước đo, bút, chữ số.
– Đồ dùng của trẻ:
+ Mỗi trẻ một rổ đựng đồ dùng: tấm vải, các loại thước đo, bút chì, chữ số.
+ Gạch, vòng, bảng, bàn, gậy thể dục…
3.Tiến hành hoạt động:
a) Hoạt động mở đầu:
– Cho trẻ hát và vận động bài “Kéo cưa lừa xẻ”
– Cô cho 2 trẻ trải nghiệm bật xa.
– Để biết được bạn nào bật xa hơn chúng ta phải làm gì?
– Cho 1 trẻ lên đo bằng bàn chân.
– Có rất nhiều cách đo chiều dài của một vật. Hôm nay cô sẽ hướng dẫn các con cách đo độ dài của một vật bằng 2 loại thước đo.
b) Hoạt động nhận thức:
+ Dạy trẻ kĩ năng: Đo một vật bằng các đơn vị đo.
– Các con nhìn xem cô có gì?
– Các con nhận xét gì về 2 thước đo của cô?
– Cô dùng cây thước màu đỏ để đo tấm vải xem độ dài của tấm vải dài bao nhiêu lần thước đo.
– Trẻ chú ý quan sát cô đo.
– Tay trái cô cầm thước, tay phải cô cầm bút. Đặt mép dưới của thước trùng với mép dưới của mảnh vải, đầu trái của thước đo trùng khít với đầu trái của tấm vải, cô vạch một vạch sát đầu thước còn lại và cô nhất thước lên, cô đặt trùng khít với vạch đã đánh dấu cô tiếp tục vạch một vạch sát đầu thước còn lại và cứ như thế cô đo đến hết độ dài của tấm vải.
– Sau khi đo xong đếm và gắn số tương ứng.
– Vậy độ dài của tấm vải dài bao nhiêu lần thước đo màu đỏ?
– Cô thực hiện thao tác đo lần 2 với thước ngắn hơn.
– Cho trẻ đếm và đọc kết quả chọn chữ số tương ứng để biểu thị kết quả đo.
– Sau 2 lần đo của cô các con thấy kết quả như thế nào?
* Cô kết luận: Khi đo một vật bằng các thước đo khác nhau thì sẽ được kết quả đo khác nhau, với thước đo dài hơn thì số lần đo ít hơn, với thước đo ngắn hơn thì số lần đo nhiều hơn.
* Luyện tập:
– Cho trẻ vận động bài “Lăc lư lắc lư” về lấy đồ dùng.
– Cô yêu cầu trẻ chọn mảnh vải để trước mặt và tìm thước đo dài nhất để đo và gắn kết quả sau khi đo
– Lần 2 tìm thước đo ngắn hơn để đo
– Cô kiểm tra sau khi trẻ đo và đặt kết quả. Hỏi trẻ về kết quả đo
* Trò chơi 1: Đội nào nhanh hơn.
– Cách chơi: Chia lớp thành 2 đội, cô chuẩn bị rất nhiều gạch. Khi có hiệu lệnh của cô, lần lượt từng bạn trong đội bậc qua 3 vòng lên chọn 1 viên gạch để xây tường rào, xây xong chạy về đứng cuối hàng bạn tiếp theo lên xây cho đến bạn cuối cùng, trong cùng thời gian đội nào xây tường rào có độ dài và cao hơn đội đó chiến thắng.
– Cô kiểm tra kết quả
* Trò chơi 2: Cùng nhau đua tài
– Chia trẻ thành 4 nhóm cùng đo những đồ dùng xung quanh lớp.
+ Nhóm 1: các con đo chiều dài tấm xốp bằng bước chân và bàn chân.
+ Nhóm 2: Đo chiều dài của chiếc bàn là các khối vuông, khối chữ nhật.
+ Nhóm 3: Đo độ dài bảng đen bằng 2 loại thước đo.
+ Nhóm 4: Đo chiều dài của gậy thể dục bằng nắm tay hoặc gang tay
– Cô kiểm tra từng nhóm?
c) Kết thúc:
– Cho lớp hát bài “Những thiên tài nhỏ”

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.