SKKN: MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ 3 – 4 TUỔI HỌC TỐT MÔN LÀM QUEN VĂN HỌC- Giáo Viên: Võ Thị Kim Hằng
BÁO CÁO SÁNG KIẾN
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ 3 – 4 TUỔI HỌC TỐT MÔN
LÀM QUEN VĂN HỌC
1. Mô tả bản chất của sáng kiến7:
Như chúng ta đã biết văn học là một loại hình nghệ thuật có tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm lý con người nói chung và trẻ em nói riêng. Người ta ví: “ văn học như nguồn sữa mẹ đẻ nuôi sống con người” đặc biệt là trẻ thơ.
Bởi khi nói đến văn học là người ta liên tưởng đến một loại hình nghệ thuật phong phú, những làng điệu dân ca, những lời ru ngọt ngào của mẹ, những bài thơ, ca dao, đồng dao, những câu chuyện cổ tích của bà… Tất cả những tác phẩm ấy đều phản ánh những phong tục, tập quán riêng biệt của từng dân tộc, từng vùng miền khác nhau. Nhưng đều mang tính giáo dục con người, đều nhằm mục đích tôn vinh ca ngợi cái thiện, cái đẹp; lên án, đã kích châm biếm cái xấu xa. Chính những tác phẩm văn học ấy là cánh cửa kỳ diệu mở ra chân trời nhận thức của trẻ. Để qua đó gieo vào tâm hồn trẻ thơ những tình cảm, những ước mơ và lòng khát khao vươn tới cái Chân-thiện-mỹ đồng thời căm ghét và xa lánh cái ác.
Đối với trẻ em thơ văn có ý nghĩa to lớn là góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Điều đó được biểu hiện ở chổ trẻ em được tiếp xúc với văn học từ rất sớm, từ khi lọt lòng mẹ trẻ đã được nghe những câu hát ru thắm đượm tình người, tình quê hương đất nước, tình yêu con người…Lớn hơn một chút, các em được sống trong thế giới kỳ diệu của những câu chuyện thần thoại (sự tích bánh chưng- bánh dày) truyền thuyết (Thánh Gióng) câu chuyện (Quả bầu tiên ) những ước mơ cứ thế được chắp cánh bay xa…
Vậy để môn văn học đến với những đứa trẻ mới tập đi, tập nói ở trường Mầm Non một cách hiệu quả là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Vậy phải dạy như thế nào để đạt kết quả cao, để trẻ học tốt, để môn văn học thật sự trở thành phương tiện giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Đó chính là một bài toán khó đối với ngành Mầm Non mà mỗi giáo viên chúng ta phải có trách nhiệm tìm ra những biện pháp sao cho phù hợp và hữu hiệu nhất. Bản thân tôi là một giáo viên chủ nhiệm nhiều năm liền ở độ tuổi nhỡ, lớn, tôi thật sự lo lắng trước những suy nghĩ như vậy. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để dạy tốt môn văn học ? Làm thế nào để giúp trẻ mầm non học tốt môn văn học ?… Đó chính là lý do tôi chọn đề tài này.
1.1 . Các giải pháp thực hiện, các bước và cách thức thực hiện:
Giải pháp 1: Xây dựng môi trường hoạt động phong phú, hình thức tổ chức đa dạng.
Giải pháp 2: Sử dụng yếu tố phi ngôn ngữ khi đọc tác phẩm văn học như:
Giải pháp 3. Tổ chức rèn kỹ năng đọc- kể diễn cảm cho trẻ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Giải pháp 4. Giáo viên trang bị kiến thức, nội dung về bộ môn văn học
Giải pháp 5: Tạo cơ hội giúp trẻ tham gia tốt hoạt động làm quen văn học
Giải pháp6. Phối hợp với phụ huynh:
1.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết (nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở):
1. Thuận lợi:
Được sự quan tâm giúp đỡ của ban giám hiệu về chuyên môn xây dựng phương pháp đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục mầm non, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học như: Máy vi tính, tranh ảnh để phục vụ cho các chủ điểm, bàn ghế cho học sinh… tạo mọi điều kiện giúp tôi thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non.
Phụ huynh quan tâm phối hợp với giáo viên trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ như hỗ trợ nguyên vật liệu: Vải vụn, chai, lọ nhựa… để giáo viên tận dụng làm đồ dùng dạy học và vui chơi cho các cháu.
Bản thân tôi cũng có nhiều cố gắng trong quá trình tự học, tự rèn.
2. Khó khăn:
– Khó khăn thực tế ở năm học nào cũng vậy, trẻ ở vùng nông thôn bị ảnh hưởng từ địa phương, thường sử dụng ngôn ngữ theo người lớn, hay nói trỗng, nói câu cụt. Trí tưởng tượng nghèo nàn. Các cháu rất bỡ ngỡ, sợ sệt, chưa mạnh dạn giao tiếp với mọi người, không tự tin trong các hoạt động, không tập trung và không thích tiết kể chuyện, đọc thơ.
– Một số cháu nói ngọng, nói lặp như: Cháu Cao Minh, An Khang, Hồng Phát
– Phụ huynh đa số là nghề nông nên ít quan tâm đến chương trình giáo dục của bật học Mầm Non, dẫn đến việc phối hợp với phụ huynh rất khó khăn.
1.3. Nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại
1.3.1. Xây dựng môi trường hoạt động phong phú, hình thức tổ chức đa dạng.
Tạo môi trường cho trẻ hoạt động là rất cần thiết trong chương trình giáo dục mầm non. Nếu tạo được môi trường cho trẻ hoạt động tốt thì sẽ kích thích trẻ phát triển ngôn ngữ, tham gia vào các hoạt động và kết quả đạt được rất cao. Để giúp trẻ nâng cao khả năng cảm thụ thì việc cho trẻ có nhiều cơ hội làm quen với tác phẩm văn học thì phải thường xuyên, giáo viên phải xây dựng môi trường hoạt động theo chủ đề, để trẻ được làm quen với môi trường văn học hấp dẫn và hiệu quả.
Vì thế ngay từ đầu năm học tôi đã đi sâu vào xây dựng môi trường hoạt động phong phú, hình thức tổ chức đa dạng tạo điều kiện để trẻ được hoạt động tích cực, chủ động hơn.
Ví dụ: Tôi xây dựng môi trường hoạt động theo chủ điểm, ở góc nghệ thuật tôi trang trí nhiều nhân vật rối tay, rối que và nhiều hình ảnh có liên quan đến các nội dung câu chuyện hay bài thơ mình cần cung cấp cho trẻ ở chủ điểm đó.
Cũng có những tiết học tôi tổ chức cho trẻ xem băng hình, phim ảnh về nội dung câu chuyện hay bài thơ mình sắp dạy có kèm lời kể và hình ảnh minh hoạ nhằm giúp trẻ khắc sâu kiến thức, kể chuyện đọc thơ rành rọt hơn.
Đối với việc chuẩn bị đồ dùng giáo viên cần linh hoạt, không phải bài thơ, câu chuyện nào cũng sử dụng tranh ảnh mà phải chuẩn bị đồ dùng bằng nhiều hình thức khác nhau như: Mô hình, rối tay, rối que, dựng cảnh trên phông màn…
Điều đáng chú ý hơn là khi giáo viên sử dụng đồ dùng dạy học gì thì phải đảm bảo về kích cỡ, bố cục, màu sắc phải phù hợp với thực tế nhằm đảm bảo tính nguyên tắc, tính khoa học và an toàn khi sử dụng.
Ví dụ: Khi dạy đến chủ điểm động vật tôi cho trẻ xem phim kèm lời kể về câu chuyện: Chú dê đen, cáo thỏ và gà trống, chú vịt xám …Được xem những hình ảnh vừa hấp dãn, vừa có lời kể trẻ rất thích thú, mau nhớ nội dung câu chuyện, đến khi vào giờ học trẻ mạnh dạn, tự tin trao đổi cùng cô, cùng bạn về nội dung câu chuyện và kể được từng đoạn chuyện, có cháu đã kể lại được cả nội dung câu chuyện.
Khi nghiên cứu tổ chức các hình thức cho trẻ làm quen văn học tôi phát hiện ra một điều rằng: Trẻ mầm non rất thích thể hiện lại tính cách của các nhân vật trong câu chuyện, bài thơ. Vì vậy việc cho trẻ đóng kịch cũng là một phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Khi cho trẻ đóng kịch một câu chuyện hay một bài thơ nào đó cô cần soạn lại lời đối thoại các nhân vật sao cho phù hấp dẫn, sinh động, ngắn gọn phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi.
Ví dụ: Với bài thơ “Mèo đi câu cá” Tôi đã dựng cảnh trên phông màn, cho trẻ mặc trang phục của các nhân vật trong bài thơ để đóng kịch. Tiết học thật sinh động, trẻ hứng thú khi tham gia hoạt động, hiểu nội dung bài thơ, thuộc bài thơ một cách rất nhanh chóng.
Giáo viên nghiên cứu xen kẽ những bài hát phù hợp với từng đoạn chuyện. cho trẻ được thể hiện lời nói, tính cách của các nhận vật. Điều quan trọng là làm sao cuốn hút trẻ tích cực nhận vai. Muốn làm được như vậy giáo viên phải đầu tư về trang phục, hoá trang các nhân vật cho đẹp, hấp dẫn để lôi cuốn trẻ.
Ngoài các tác phẩm văn học trong chương trình, tôi còn khuyến khích cho trẻ kể chuyện theo trí nhớ, kể chuyện sáng tạo nhằm cung cấp thêm từ mới cho trẻ đồng thời tập cho trẻ nói trọn câu, nói đúng ngữ pháp, ngôn ngữ phù hợp với đề tài mà trẻ đang tìm hiểu và khám phá.
Ví dụ: Tôi gợi ý và hướng dẫn cho trẻ kể lại một câu chuyện ở sân trường mà trẻ nhìn thấy vào buổi sáng trẻ đến trường, hay kể lại không khí của buổi tối cả nhà xum họp…
Muốn trẻ kể được chuyện theo trí nhớ hoặc chuyện sáng tạo cô phải kể mẫu một câu chuyện rồi mới cho trẻ tập kể, cô khuyến khích động viên trẻ kể và sửa sai cách phát âm cho trẻ. Sau nhiều lần tập trẻ kể chuyện giúp trẻ phát triển vốn từ tốt hơn, thể hiện đúng ngữ điệu, ngôn ngữ rõ ràng mạch lạc.
Ví dụ: Câu chuyện “Giấc mơ kỳ lạ” khi trẻ được nghe cô kể chuyện, xem tranh, băng hình…trẻ tự tìm những nhân vật, hình ảnh phù hợp để dán thành một bức tranh theo ý thích của mình rồi kể chuyện sáng tạo của trẻ. Ví dụ: Cháu Long kể Có bạn tên Tuấn rất lười ăn nên lúc nào cũng mệt. Một hôm mệt quá cậu bé ngủ thiếp đi và mơ thấy các bộ phận của co thể trò chuyện với nhau và cô hiểu được phải chịu khó ăn uống, ăn thật nhiều và chăm tập thể dục thì mới có một cơ thể khoẻ mạnh và giúp được nhiều việc cho mọi người.
Tuy nhiên trong một giờ học cô nên động viên và tuyên dương kịp thời những cháu kể chuyện, đọc thơ hay, sáng tạo, đóng kịch tốt nhằm khuyến khích trẻ học tốt hơn. Tuyệt đối không nên chê trẻ, mà nhẹ nhàng sửa sai đối với những trẻ thực hiện chưa đúng. Việc dạy học phụ thuộc vào việc giáo dục, do đó nội dung các bài dạy không chỉ đơn thuần là một nội dung cần dạy cho trẻ, mà còn là một phương tiện giáo dục. Vì vậy tôi luôn quan sát và nhận xét xem trong quá trình học tập trẻ có tích cực hoạt động không? Tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ không hoà đồng cùng với bạn để có hướng tìm cách đưa trẻ hoà nhập cùng với bạn.
Tạo môi trường cho trẻ kể chuyện sáng tạo là một việc làm vô cùng quan trọng bởi nó là chỗ dựa, là cơ sở vững chắc cho trẻ kể chuyện sáng tạo. Đòi hỏi cô giáo phải biết tạo cảm xúc cho trẻ bằng các con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu, đồng thời cũng phải biết hướng lái, gợi mở cho trẻ có cảm xúc tích cực khi tham gia hoạt động kể chuyện sáng tạo. Qua nội dung các bức tranh, các nhân vật, các con rối trẻ được xem và nói lên nhận xét của mình về các đồ dung đó. Như vậy ngôn ngữ cuả trẻ được phát triển một cách phong phú và đa dạng.
1.3.2. Sử dụng yếu tố phi ngôn ngữ khi đọc tác phẩm văn học như:
Tư thế, nét mặt, ánh mắt cử chỉ…để tăng thêm sức biểu cảm cho lời nói là cần thiết. Những cử chỉ đơn giản, chân thực có nội dung sâu sắc sẽ tăng thêm sức diễn cảm cho tác phẩm; Vì thế khi truyền đạt một tác phẩm đến với trẻ người giáo viên cần chú ý
Ví dụ: Khi trình bày bài thơ “Chim chích bông” Giáo viên phải đọc với giọng vui tươi, hồn nhiên. Ngữ điệu của 6 câu đầu là miêu tả hơi trầm. Đoạn sau là đối thoại, ngữ điệu cần cao hơn có thể kết hợp cử chỉ giơ tay lên vẫy khi đọc đoạn:
“Em hãy gọi!…
Có thích không?”
Và có thể cúi xuống gật gật đầu kết hợp nét mặt tươi vui khi đọc đoạn:
“Chú chích bông
Liền xà xuống…
…Thích!
Việc kết hợp các tư thế nét mặt, cử chỉ… với những thủ thuật ngữ âm sẽ có tác dụng truyền thụ rất lớn tới người nghe. Nét mặt, ánh mắt phấn khởi, lạc quan nếu là tác phẩm vui, diễn biến có hậu có tình tiết ngộ nghĩnh.
Nét mặt buồn nếu tác phẩm có tính chất bi thương. Sự giao cảm giữa người đọc, người kể với người nghe chính là thể hiện ở nét mặt, ánh mắt, cử chỉ. Tuy nhiên tư thế cử chỉ sẽ mất đi sức biểu cảm mạnh mẽ nếu lạm dụng nó. Vì thế cần sử dụng có mức độ để trẻ khỏi bị phân tán bởi những ấn tượng bên ngoài tác phẩm.
1.3.3. Tổ chức rèn kỹ năng đọc- kể diễn cảm cho trẻ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh một môi trường hoạt động với đầy đủ các loại đồ dung trực quan đa dạng phong phú, thu hút sự hứng thú tham gia kể chuyện sáng tạo của trẻ thì chúng ta còn phải rèn kỹ năng đọc- kể diễn cảm cho trẻ có thể được diễn ra linh hoạt theo hai hình thức chính: hình thức trong giờ học và hình thức ngoài giờ học.
* Hình thức trong giờ học: Cô rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho trẻ trong tiết học văn học mà trong đó cô dọc diễn cảm các bài thơ, câu chuyện đã được xây dựng kế hoạch của từng chủ điểm.
Ví dụ: Khi dạy bài thơ “Cây đào” của tác giả Nhược Thủy, cô cho trẻ đọc bài thơ nhiều lần và chú ý dạy trẻ cách ngắt nghỉ lên giọng, xuống giọng… Cho hợp lý. Còn về hình thức ngoài giờ thì ít được áp dụng vì vậy cần lưu ý quan tâm đến vấn đề này hiểu hơn hình thức ngoài giờ học có ý nghĩa là trong lúc dạo chơi ngoài trời. Trong giờ chuẩn bị cơm trưa, sau lúc ngủ dậy kể cả giờ chơi tự do… Cô đều có thể rèn cho trẻ kỹ năng đọc- kể diễn cảm.
Việc rèn kỹ năng đọc- kể diễn cảm cho trẻ không chỉ diễn ra ở tiết học văn học mà còn được diễn ra trong các hoạt động hoạc tập khác như: Môn làm quen với môi trường xung quanh; Chơi vận động; Môn tạo hình… Vì thế các bài thơ trong các bộ môn đó không hề mất đi ý nghĩa văn học của nó mà còn giúp trẻ hiểu một cách dễ dàng nội dung của tác phẩm, đặc biệt là kỹ năng đọc- kể diễn cảm của trẻ dần phát triển.
Ví dụ: Khi dạy môn: Môi trường xung quanh về “Một số vật nuôi trong gia đình” cô có thể kết hợp cho trẻ đọc diễn cảm bài thơ “Đàn gà con” (Phạm Hổ) để rèn luyện kỹ năng đọc diễn cảm cho trẻ.
Đàn gà con
Mười quả trứng tròn…
… Ơi chú gà ơi
Ta yêu chú lắm
* Hình thức ngoài giờ học:
Ví dụ: Trong lúc dạo chơi ngoài trời, ở lớp mẫu giáo bé cô có thể đọc cho trẻ đọc diễn cảm bài tthơ “Đi nắng” tác giả – Nhược Thủy. Hay trong giờ chuẩn bị cơm trưa cô cho trẻ đọc diễn cảm bài thơ “Nhớ ơn”. Hoặc trước khi đi ngủ cô cho trẻ đọc diễn cảm bài thơ: “Giờ đi ngủ”
Hoặc khi chơi vận động trò chơi: “Kéo cưa lừa sẻ” cô cho trẻ đọc diễn cảm bài đồng dao “kéo cưa lừa sẻ”.
Hình thức ngoài giờ học là hình thức ôn, giúp trẻ nhớ lại các bài thơ, câu chuyện đã được nghe và đặc biệt là rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho trẻ một cách tự nhiên nhất. Vì vậy giáo viên cần chú ý tăng cường việc rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho trẻ dưới hình thức ngoài tiết học.
Tuy nhiên việc rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho trẻ qua hoạt động làm quen văn học vẫn là chính.
1.3.4. Giáo viên trang bị kiến thức, nội dung về bộ môn văn học
Để trẻ yêu thích hứng thú và đạt được kết quả cao trong bộ môn này thì trước hết cô giáo cần phải yêu thích văn học, say mê nghiên cứu, học hỏi bồi dưỡng về kiến thức ngữ pháp và nội dung ở bộ môn văn học. Để biết được cái hay cái đẹp trong từng tác phẩm, biết được tác giả sử dụng phương pháp gì, để khi dạy cho trẻ một bài thơ, câu chuyện ta hiểu và cảm nhận được tác giả đang nói gì? Thì sẽ truyền đạt cho trẻ hay hơn, cảm xúc hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra khi giáo viên nắm được lý thuyết cơ bản ta có thể sáng tác và chuyển đổi kịch bản để bổ sung vào chương trình dạy trẻ phong phú và đa dạng hơn. Với suy nghĩ như vậy tôi đã có một số biện pháp nhỏ như sau
a. Tìm hiểu tích luỹ kiến thức ngữ pháp và nội dung văn học:
Khi đọc một bài thơ, kể câu chuyện để chuẩn bị dạy cho trẻ giáo viên phải hiểu được nội dung, xác định được thể loại thơ chuyện, xác định được nhịp đọc, phải hiểu được tác giả sử dụng nghệ thuật gì? (so sánh, nhân cách hoá…) biết được nội dung bài thơ câu chuyện nhắn gửi điều gì?
Ví dụ: Với nghệ thuật nhân cách hoá nhà thơ “Đàm Thị Lam Luyến” đã viết lên bài thơ “Em yêu nhà em”
Chẳng đâu bằng chính nhà em
Có đàn chim sẻ bên thềm líu lo
Có nàng gà mái hoa mơ
Cục ta, cục tác, khi vừa đẻ xong
Có bà chuối mật lưng ong
Có ông ngô bắt râu hồng như tơ
Có ao muống với cá cờ
Em là chị tấm đợi chờ bống lên
Có đầm ngào ngạt hoa sen
ếch con học nhạc dế mèn ngâm thơ
Dù đi xa thật là xa
Chẳng đâu vui được như nhà của em.
Bài thơ đã nói lên một vẻ đẹp thật sinh động, ngộ nghĩnh đáng yêu xung quanh ngôi nhà bé, làm cho người nghe bài thơ cảm thấy như mình được xích gần đến với những gì viết trong thơ.
– Với yêu cầu đặt ra như vậy tôi tự tìm tòi học hỏi bồi dưỡng kiến thức cho mình như
+ Học hỏi về lý thuyết ngữ pháp, tìm đọc những cuốn sách ngữ văn để học hỏi nghiên cứu thêm hoặc gặp những bài thơ câu chuyện khó, tôi tìm đến các thầy cô dạy bộ môn văn ở các bật học khác để học hỏi.
+ Để bổ sung kiến thức về bộ môn văn học thêm phong phú, hàng ngày tôi tranh thủ thời gian rảnh như giờ trực trưa hay trong các ngày nghỉ dành một đến hai tiếng đồ hồ để lên mạng truy cập, tìm đọc những tài liệu dành cho giáo viên mầm non, các tài liệu hướng dẫn “phương pháp phát triển lời nói”, phương pháp làm quen truyện thơ giành cho lứa tuổi mầm non, xem các bài soạn mẫu gợi ý, sưu tầm thơ, chuyện mẫu giáo phù hợp để chọn đề tài dạy cho trẻ.
+ Tôi theo dõi xem truyền hình có những chuyên mục bổ ích dành cho mẫu giáo như kể chuyện, đóng kịch, kịch rối rồi kể chuyện đêm khuya ở đài tiếng nói Việt Nam…Tôi thường xuyên theo dõi xem, nghe hàng ngày hàng tuần ghi âm lưu lại để học hỏi bổ sung vốn kiến thức và kinh nghiệm cho mình. Từ đó vốn kiến thức về văn học tôi khá phong phú, khả năng nhận biết cảm nhận cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm thơ chuyện và việc trích dẫn nội dung tác phẩm cũng sâu sắc hơn, mang lại hiệu quả cao trên các tiết dạy học thơ chuyện.
b. Học hỏi và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Tôi liền hoạch định cho mình một kế hoạch học tập với sổ tay ghi chép đầy đủ, tôi kiên trì mài mò học hỏi giáo viên trong trường và giáo viên trường bạn, tôi tìm đến các thầy cô giáo dạy bộ môn tin ở bật học khác để học hỏi thêm, nhất là các phần mềm hỗ trợ cho việc thiết kế giáo án điện tử bởi cách dạy này lúc nào cũng tạo cho trẻ sự hấp dẫn và lôi cuốn.
Ví dụ: Tôi thiết kế các hình ảnh nội dung của bài thơ, câu chuyện thành một đoạn phim cho trẻ xem. Hoặc cắt rời các nhân vật rồi hiệu ứng chuyển động, chèn âm thanh đàm thoại của từng nhân vật vào, trẻ xem rất hấp dẫn và trẻ nghe như thật nên dễ cảm xúc với bài thơ câu chuyện hơn.
– Tôi còn thiết kế một số trò chơi trên máy gây hứng thú cho trẻ tham gia tích cực vào hoạt động LQVH
Ví dụ:
+ Thiết kế hình ảnh các nhân vật kết hợp chèn âm thanh lời thoại của nhân vật đó. Trẻ lên click chọn nhân vật trẻ thích sau đó nghe nhân vật đó thể hiện rồi thể hiện lại.
+ Thiết kế một số phần quà hấp dẫn, trẻ lên chọn phần quà lắng nghe giọng nói của nhân vật rồi đoán tên nhân vật đó là ai
+ Thiết kế hình ảnh để trẻ kể chuyện, đọc thơ theo hình ảnh sau đó cho trẻ nghe và xem đáp án
+ Thiết kế hình ảnh nhân vật, đồ dùng dụng cụ có và không có trong chuyện sau đó cho trẻ chọn đúng sai
– Việc học hỏi thực hiện chương trình giáo án điện tử là một trong những yếu tố giúp tôi và trẻ dạy học tốt. Bởi chương trình này thiết kế giáo án cung cấp kiến thức cho trẻ rất phong phú và hấp dẫn. Mỗi giáo viên chúng ta cần học hỏi nâng cao trình độ tin học, nghiên cứu thiết kế giáo án, trò chơi sáng tạo thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho trẻ
c. Chuyển đổi kịch bản
– Nói đến văn học chuyện kể người ta thường nghĩ đến thể loại kịch, bởi thể loại này dễ cho người ta thấy được các nhân vật và tính cách của từng nhân vật trong chuyện. Đối với bậc học mầm non cũng vậy nói đến văn học thì phương pháp đóng kịch là chủ đạo bởi qua phương pháp này thể hiện rõ tính cách, cử chỉ, hành động của từng nhân vật, trẻ sẽ có nhận thức về nội dung, giáo dục trẻ yêu mến cái thiện, ghét cái ác, giáo dục trẻ về đạo đức, tính cách một cách sâu sắc hơn. Vậy, để phương pháp này phát huy một cách hiệu quả trong bộ môn văn học thì tôi có kế hoạch đầu tư chuyển thể các câu chuyện từ ngôn ngữ viết sang ngôn ngữ nói thành những kịch bản ngắn gọn, ngôn ngữ đối thoại thông dụng dễ nói, dễ hiểu nhưng không mất đi nội dung cơ bản của câu chuyện. Ngôn ngữ trong câu chuyện thường là những lời giới thiệu, lời dẫn chuyện, đòi hỏi giáo viên phải khéo léo đưa những lời giới thiệu, lời dẫn đó trở thành lời nói của nhân vật cùng với thái độ – cử chỉ – hành động để giúp cho người nghe, người xem có thể hiểu được diễn biến của vở kịch
Ví dụ: Trong câu chuyện “Chú Dê đen” truyện kể mở đầu có đoạn “Có một chú Dê trắng đi vào rừng để kiếm lá non ăn và nước suối mát để uống” nhưng khi chuyển thể sang kịch bản giáo viên có thể chuyển thành lời của nhân vật.
“Ôi mùa xuân thật là đẹp mình phải đi vào rừng để kiếm lá non ăn và nước suối mát để uống thôi”.
Ví dụ:
– Đoạn: Dê trắng đi vào rừng tôi thay đổi là “Dê trắng nói: Sao bạn dê đen đi lâu thế, mình phải vào rừng tìm bạn ấy thôi”
Ví dụ: Trong câu chuyện “Cây tre trăm đốt” có đoạn anh nông dân nói với khán giả. “Bà con ơi! Bà con làm chứng cho tôi nhé, lão nhà giàu đã hứa gả con gái cho tôi rồi đấy…” Trong câu chuyện này ngoài Lão địa chủ, cô con gái, anh nông dân chúng ta có thể xây dựng thêm nhân vật bà con hàng xóm vì trong vở kịch các nhân vật độc thoại khá nhiều. Mục đích khi đưa những nhân vật này vào là làm cho vở kịch thêm phần sinh động hơn, vui hơn, diễn viên và khán giả đều cảm thấy rất hào hứng, thích thú và bị cuốn hút vào diễn biến của vở kịch.
– Ngoài việc chuyển đổi chuyện thành kịch bản tôi còn chuyển đổi câu chuyện thành bài thơ, vè. Tôi dựa vào nội dung câu chuyện sáng tác thành bài thơ, vè để trẻ dễ hiểu nội dung và thuộc chuyện rất nhanh.
Ví dụ 1: Câu chuyện “Quả Táo” sáng tác vè “Quả táo”
Vào một buổi sáng Bác gấu đi lại Thỏ con rong chơi Hỏi chuyện thế nào Ngước mắt nhìn trời Cả ba yêu cầu Chợt reo “Kìa! Quả táo” Gấu ta phân xử Thỏ bằng nhờ quạ Cả ba đều đúng Bác có cánh bay Ai cũng có công Giúp tôi một tay Quả táo chia đồng Hái giùm quả táo Ba phần hợp lý
Quạ đen nhanh nhảu Cả ba nhất trí Lấy mỏ hái ngay Xẻ táo làm tư Quả táo lìa cây Còn một phần dư Rơi nhằm lưng nhím Biếu công bác gấu
Nhím ta liền chiếm Qua chuyện Quả táo
Quả táo về mình Nhắc nhỡ các con
Nẩy sinh bất bình Phải biết yêu thương
Cả ba tranh cải Xẽ chia nhường nhịn
Xẽ chia nhường nhị
Ví dụ 2: Câu chuyện “Bác gấu đen và hai chú thỏ” sáng tác thành bài thơ
Bác gấu đen Bác gõ cửa
Đi chơi rừng Nhà thỏ nâu
Gặp m¬ưa dông Thỏ càu nhàu
Bị ¬ớt cả Không cho trú
Bác buồn quá, Chạy đến, miệng kêu ca:
Lại ra đi “Bác ơi, cứu cháu với”
M¬ưa dầm dề Bác nhẹ nhàng thăm hỏi:
Càng ¬ớt sũng “Thỏ nâu cứ yên lòng,
Nhà thỏ trắng Mai, bác làm nhà mới
Bác dừng chân Chỉ một loáng là xong”
Thỏ ân cần Em yêu bạn thỏ trắng
Mời bác s¬ởi Em quý bác gấu đen
Đêm m¬ưa càng dữ dội Bác gấu thật tốt bụng
Thỏ nâu bị đổ nhà Thỏ trắng thật đáng khen
– Với cách chuyển đổi này trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao, trẻ nhớ nội dung bài thơ, câu chuyện rất nhanh, hứng thú tham gia chơi đóng kịch. Phụ huynh, giáo viên trong trường ghi nhận và đánh giá cao ở biện pháp này.
* Chọn đề tài và hình thức tổ chức mới sáng tạo
– Với cách học hỏi như trên tôi lên kế hoạch, đầu tư, nghiên cứu đề tài để dạy. Bởi tôi nghĩ chọn đề tài và hình thức tổ chức tiết dạy là những yếu tố quan trọng lôi cuốn trẻ hứng thú trong tiết học. Do vậy, tôi tìm tòi những hiệu sách lớn và lên mạng để tìm kiếm những bài thơ, đồng dao, ca dao, câu chuyện hay dành cho lứa tuổi mầm non, những tác phẩm có nội dung sâu sắc, ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với từng chủ điểm để dạy.
– Với mỗi đề tài tôi luôn suy nghĩ để tìm ra hình thức tổ chức mới lạ nhằm gây hứng thú và lôi cuốn trẻ:
+ Thể loại chuyện tôi sử dụng nhiều hình thức như đóng kịch (chuyển đổi câu chuyện qua kịch bản), múa rối (que, bông…), nghe kể chuyện qua băng hoạt hình…Thiết kế giáo án điện tử có hình ảnh sống động, nhân vật chuyển động hấp dẫn kết hợp chèn âm thanh giọng nói thật. Thiết kế một số trò chơi luyện giọng trên máy tính gây hứng thú cho trẻ.
+ Với đề tài thơ, tôi luôn thay đổi hình thức tổ chức lồng ghép, xen kẻ các nội dung tích hợp và trò chơi nhẹ nhàng để trẻ học thơ mà không mệt mỏi và nhàm chán. Tuỳ theo đề tài tôi sử dụng cách ngâm thơ hoặc đọc vè trước khi vào bài để gây hứng thú và trẻ cảm nhận bài thơ sâu sắc hơn. Có tiết tôi tổ chức như một tiết chuyện: múa rối hoặc đóng kịch. Bên cạnh đó tôi luôn chú ý đến từ tượng thanh, tượng hình hoặc các từ tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, so sánh để trẻ cảm nhận được nội dung và nhịp điệu hay trong bài thơ hoặc gợi ý hỏi trẻ để trẻ nói lên cảm xúc của mình về bài thơ đó.
+ Về thể loại đồng dao thì tôi chọn một số đề tài hay, ngắn gọn phù hợp với chủ điểm để xen kẻ vào các tiết thơ, chuyện: Như bài “Thằng Bờm” “Nu na nu nống” “Trồng đậu trồng cà” “Câu ếch” “Họ rau” “Con Nít” v…v. Với thể loại này tôi tổ chức cho trẻ đọc đồng dao kết hợp chơi những trò chơi dân gian phù hợp với đề tài.
Ví dụ: Bài “Họ rau” Tôi cho trẻ chơi giúp mẹ đi chợ mua đúng các loại rau trong bài, giúp mẹ nhặt rau
– Bài “Con Nít” Tôi cho trẻ chơi làm mũ lá mít để đội, cỡi ngựa bằng tàu cau, chơi chi chi chành chành.
Những tiết này tôi thường chọn địa điểm ngoài sân trường cho trẻ hoạt động, tạo cho trẻ một tâm thế thỏa mái vừa học vừa chơi, nên trẻ rất hứng thú.
* Qua một thời gian nghiên cứu tôi thấy việc nỗ lực học hỏi tích luỹ kiến thức cho mình là hành tranh quan trọng cho công tác giảng dạy nói chung và bộ môn văn học nói riêng. Giúp mình tự tin sáng tạo trong giảng dạy, chọn đề tài, hình thức tổ chức tiết dạy cũng như sáng tác chuyển đổi kịch bản hay, hấp dẫn lôi cuốn trẻ vào tiết học hiệu quả.
1.3.5. Tạo cơ hội giúp trẻ tham gia tốt hoạt động làm quen văn học:
a. Giúp trẻ mạnh dạn tự tin:
– Mạnh dạn tự tin là một tính cách giúp con người chiến thắng trong mọi lĩnh vực với trẻ để tiếp thu bài hiệu quả, điều đầu tiên phải giúp trẻ mạnh dạn tự tin trong giờ học, tôi thường xuyên gần gũi trẻ, kể chuyện, vui đùa với trẻ những câu chuyện vui, ngắn tự đặt ra và sưu tầm, mang tính hài hước gây hứng thú và tính hiếu kỳ cho trẻ hoặc trò chuyện với trẻ về những nội dung xảy ra xung quanh trẻ, để trẻ thấy gần gũi, mạnh dạn tự tin khi ở bên cô. Tôi thường tham gia nô đùa vui chơi cùng trẻ trong những lúc trẻ tự chơi hoặc tìm những trò chơi đơn giản, mới lạ để tập trẻ chơi. Tôi rất chú trọng đến số trẻ nhút nhát, thụ động. Trong những lúc vui chơi, đọc thơ, kể chuyện… tôi thường gọi số trẻ đó lại bên cạnh và chú ý động viên khích lệ hỗ trợ dể trẻ mạnh dạn tự tin phát biểu. Có những lúc tôi cố ý nhờ trẻ phụ giúp cô trong công việc, sau đó tôi khen và âu yếm kịp thời, những lúc như vậy tôi thấy gương mặt trẻ vui sướng gần gũi bên cô. Tôi luôn giữ đúng vai trò “Cô giáo như mẹ hiền” để trẻ an tâm, mạnh dạn tự tin khi ở bên cô trong giờ học. Đến hôm nay 100% trẻ đã mạnh dạn tham gia phát biểu, trò chuyện cùng cô và đặt câu hỏi với cô và bạn.
b. Luyện tập trẻ đóng kịch:
– Đóng kịch là một hình thức tôi thường xuyên tổ chức trong hoạt động văn học, bởi hình thức này luyện tập và phát triển cho trẻ nhiều lĩnh vực: Phát triển ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ, tình cảm xã hội…Vì vậy bên cạnh việc chuyển đổi kịch bản của cô là phần luyện tập đóng kịch của trẻ. Bước đầu tôi cho trẻ tìm hiểu nội dung câu chuyện, thuộc kịch bản, cho trẻ trò chuyện tự nhận biết được đặt điểm tính cách của từng nhân vật giúp trẻ thể hiện ngữ, điệu, giọng sao cho phù hợp, lô gich.
Tôi cho trẻ xem, nghe băng đĩa rồi luyện tập theo, tôi có kế hoạch luyện tập trước cho trẻ trong những giờ hoạt động ngoài trời, hoạt động góc, hoat động chiều.
Ví dụ: *Câu chuyện: “Chú dê đen”
Giọng Chó sói: Quát tháo, hung dữ
Giọng Dê trắng: Run rẩy, sợ sệt
Giọng Dê đen: To – dứy khoát – rõ ràng…
* Chuyện “Ai đáng khen nhiều hơn”
Giọng Thỏ mẹ: Ân cần – dịu dàng – ấm áp
Giọng Thỏ em: Nhanh – nhí nhảnh – hồn nhiên
Giọng Thỏ anh: Chậm – Khoan thai
– Đi liền với ngôn ngữ, giọng là cử chỉ – điệu bộ – nét mặt… đóng vai trò hết sức quan trọng làm nổi bật tính cách nhân vật tạo nên sự sinh động – hấp dẫn của vở kịch.
Ví dụ: Trong chuyện “Tấm Cám” có những chi tiết thể hiện sự độc ác của mẹ con Cám: – Trút bớt tôm tép
– Giết cá bống
– Trộn gạo vào thóc…
* Câu chuyện: “Chú dê đen”
Chó sói: Chỉ tay trợn mắt quát tháo dê trắng
Dê trắng: Run rẩy, sợ sệt
Dê đen: Vung tay, chống hông chỉ vào chó sói
* Chuyện “Ai đáng khen nhiều hơn”
Thỏ mẹ Thỏ mẹ xoa đầu âu yếm con, Đi lại vẻ mặt lo lắng khi thỏ anh chưa về
Thỏ em: Chạy nhảy vô tư
– Chính vì đầu tư nghiên cứu chuyển đổi kịch bản và luyện tập trẻ đóng kịch cho nên đến giờ hoạt động văn học nào tôi cũng thấy trẻ hứng thú, thích đóng kịch, trẻ nào cũng thể hiện nổi bật tính cách của từng nhân vật, tạo nên sự sinh động, hấp dẫn trong giờ hoạt động.
1.3.6. Phối hợp với phụ huynh:
a. Tuyên Truyền, giới thiệu với phụ huynh về hoạt động làm quen văn học
Như chúng ta đã biết trẻ thơ rất dễ nhớ và mau quên, nên phải cần được tiếp cận thường xuyên ở mọi nơi mọi lúc, thời gian trong một ngày ở trường không đủ để cô luyện tập cho tất cả các cháu. Vì vậy giáo viên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của phụ huynh. Chính vì thế, để có được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh vào đầu năm học tôi đã tổ chức họp phụ huynh tuyền truyền chương trình giáo dục mầm non mới, nhấn mạnh phát triển ngôn ngữ, thẩm mỹ, nêu những thực trạng yếu kém của trẻ. Tôi tiếp tục thực hiện tốt góc tuyên truyền giúp phụ huynh tham khảo và biết được kế hoạch, nội dung hoạt động trong tuần, tháng của lớp. Tôi xây dựng tạo môi trường hoạt động ở lớp thật tốt, tổ chức một số hội thi nhỏ cho trẻ như: Thi đợc thơ, kể chuyện. Thi diễn kịch, múa rối và một số hoạt động văn học tại vườn cổ tích, sân khấu kịch, nhằm tuyên truyền cho phụ huynh xem, qua đó phụ huynh thấy được sự hứng thú tham gia học tập, phát huy năng khiếu thẩm mỹ, phát triển ngôn ngữ cho trẻ, vì vậy phụ huynh đã nhìn nhận được việc làm của cô và sự cần thiết phối hợp hỗ trợ cùng cô trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ nói chung và hoạt động văn học nói riêng
b. Phối hợp với phụ huynh cùng tham gia
– Sự liên kết, trao đổi, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh là một trong những công tác hết sức quan trọng đối với giáo viên mầm non, và sự quan tâm hỗ trợ của phụ huynh là động lực là phương tiện giúp cô và trẻ dạy tốt, học tốt. Qua biện pháp tuyên truyền để phụ huynh hiểu được hoạt động của cô và trẻ, tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh từ việc thăm hỏi hoạt động của trẻ sau mỗi ngày, tìm hiểu và xem nội dung chương trình giáo dục trong tuần, tìm hiểu nội dung bài thơ câu chuyện để tập cho trẻ kể và đọc ở nhà. Tôi còn trao đổi thêm để phụ huynh nắm được khả năng, năng khiếu của từng trẻ, từ đó bàn bạc tìm biện pháp giúp trẻ phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Phụ huynh hỗ trợ, cung cấp một số nguyên vật liệu như: Vải, bông, hột hạt, chai, lọ, tre nứa, muỗng, chiếu đót, bao xi măng, giấy lịch.… Để làm đồ dùng, Một số phụ huynh làm nghề thợ mộc đã hỗ trợ và cùng tôi nghiên cứu, sáng tạo ra mô hình sân khấu nghệ thuật, tạo môi trường cho trẻ hoạt động. Tôi vận động phụ huynh sưu tầm bài thơ, ca dao, đồng dao dân gian làm tư liệu văn học.
Với sự nổ lực của mình trong thời gian qua tôi đã đón nhận kết quả từ biện pháp này rất cao. Sự quan tâm chia sẻ khó khăn và hỗ trợ vật chất của phụ huynh giúp cô và trẻ nâng cao chất lượng bộ môn này.
1.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến8:
Sáng kiến này tôi đã áp dụng tại trường Mầm Non Đại Hiệp mà không cần phải tốn bất kỳ chi phí nào và có thể áp dụng rộng rãi cho các đơn vị hoặc các bậc học khác. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đã nêu sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cho các cháu học sinh 3 – 4 tuổi.
Việc cho trẻ khám phá môi trường xung quanh một cách khoa học, không những giúp trẻ nhận biết những đặc điểm bên ngoài mà còn có những thuộc tính nên trong của sự vật hiện tượng. từ đó giúp trẻ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống có hành vi tích cực với môi trường xung quanh. Tuy nhiên để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó cô giáo cần có phương pháp phù hợp với từng hoạt động để giúp trẻ lĩnh hội đầy đủ những tri thức mà cô truyền thụ cho trẻ.
1.5. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:
a. Điều kiện về con người:
– Để dạy trẻ học tốt hoạt động LQVH giáo viên cần:
– Giáo viên phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ, nâng cao vốn hiểu biết về kiến thức văn học, bổ sung làm giàu vốn kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân.
– Giáo viên phải nắm vững phương pháp bộ môn, yêu cầu của từng đề tài. Học hỏi về chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, để từ đó nghiên cứu soạn giáo án tốt, tổ chức tiết học nhẹ nhàng, linh hoạt, sáng tạo để lôi cuốn trẻ chú ý tập trung vào giờ học.
– Giáo viên phải tìm tòi học hỏi để nâng cao kiến thức về văn học (lý thuyết lẫn nội dung), để trích dẫn chuyển tải nội dung bài thơ câu chuyện sâu sắc, chuyển thể kịch bản, sáng tác thơ ca hò vè hay hơn và tích luỹ đề tài phong phú.
– Giọng đọc, kể của giáo viên phải rõ ràng, mạch lạc thể hiện ngữ, điệu diễn cảm, sử dụng ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ cho phù hợp.
– Đầu tư băng đĩa, phối hợp với phụ huynh cùng tham gia luyện tập trẻ kể chuyện
– Có hệ thống câu hỏi từ dễ đến khó, câu hỏi gợi mở để kích thích tư duy của trẻ.
– Cô giáo luôn gần gũi hỗ trợ động viên trẻ, cho trẻ tham gia làm việc cùng cô để trẻ mạnh dạn tự tin
– Chuẩn bị học cụ và môi trường đầy đủ, đa dạng, phong phú cho trẻ hoạt động.
– Phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, để phụ huynh hiểu và hỗ trợ về nhiều mặt.
b. Điều kiện về cơ sở vật chất:
– Phòng học rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ
– Địa điểm tổ chức phải đảm bảo phù hợp, sạch sẽ và an toàn cho trẻ
– Các điềukiện cơ sở vật chất trang thiết bị và đồ dùng, đồ chơi học liệu hiện có tại lớp, đồ dùng đồ chơi tự làm của giáo viên và phụ huynh
1.6. Hiệu quả sáng kiến mang lại9:
Sau khi áp dụng các biện pháp trên trẻ đã đạt được kết quả tại lớp bé 4 như sau:
Sau khi thực hiện một số biện pháp như trên tôi thấy trẻ có hứng thú hơn với hoạt động làm quen văn học, mạnh dạn phát biểu và đặc biệt kỹ năng đọc- kể diễn cảm của trẻ tăng lên nhiều so với trước. Trẻ ngoan, lễ phép, đoàn kết hơn, nói rõ ràng mạch lạc đủ câu, hoạt động tích cực hơn.
Cụ thể là nhiều trẻ chưa biết ngắt nghỉ đúng nhịp các câu thơ, hay từ chỗ trẻ không đọc, kể đúng ngữ điệu của bài thơ, câu chuyện thì nay đã biết cách thể hiện tâm trạng, hành động của nhân vật, nhất là sự tiến bộ của một số trẻ về cách thể hiện tình cảm của mình qua giọng đọc.
2. Những thông tin cần được bảo mật – nếu có:
3. Danh sách những thành viên đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng
sáng kiến lần đầu:
TT Họ và tên Nơi công tác Nơi áp dụng sáng kiến Ghi chú
1 Lê Thị Lệ Thủy Trường MN Đại Hiệp Tại lớp Lớn 2 trường MN Đại Hiệp
2 Nguyễn Thị Xuân Hương Trường MN Đại Hiệp Tại lớp Nhỡ 4 trường MN Đại Hiệp
4. Hồ sơ kèm theo (Bản mô tả nội dung sáng kiến có thể minh họa bằng các bản vẽ, thiết kế, sơ đồ, ảnh chụp mẫu sản phẩm…)
Xác nhận và đề nghị của
cơ quan, đơn vị tác giả công tác
Đại Hiệp, ngày 15 tháng 11 năm 2023 Người nộp đơn
Võ Thị Kim Hằng