Website Trường Mầm Non Đại Hiệp – Đại Lộc – Quảng Nam

SKKN:MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TRẺ 3-4 TUỔI BIẾT YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẼ – Giáo viên: Nguyễn Vũ Trà

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TRẺ 3-4 TUỔI
BIẾT YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẼ
TẠI TRƯỜNG MẦM NON ĐẠI HIỆP

1. Mô tả bản chất của sáng kiến7:
Nhạc sĩ Trịnh Công sơn đã sáng tác bài hát “Để gió cuốn đi” có một đoạn ông viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không”. Chỉ bấy nhiêu từ ngữ đó thôi nhưng chứa đựng biết bao điều chúng ta cần suy ngẫm, bởi trong cuộc sống của chúng ta ai cũng cần có tình yêu thương, tình yêu thương là mặt trời, là thi ca của cuộc sống. Nó bắt nguồn từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người. Tình yêu thương nó như một nhu cầu hạnh phúc mà mọi người ai cũng tìm kiếm trên suốt hành trình sống của mình. Tình yêu thương không phải bỗng dưng mà có được, nó phải được vun đắp, hình thành dạy dỗ từ khi ta còn ấu thơ. Để hiểu được yêu thương là gì cũng cần một chặng đường dài học hỏi, trải nghiệm mới thấy được giá trị của nó.
Trẻ mầm non cần phải học rất nhiều trong những năm đầu đời: Trẻ học cách làm chủ ngôn ngữ, học cách nhận biết và đối phó cảm xúc của mình cũng như của người khác. Trẻ học cách xử sự sao cho phù hợp với môi trường xung quanh. Phải biết hợp tác để chơi với nhau, sống hòa thuận với trẻ khác trong nhóm, tuy nhiên điều này không dễ dàng với một số trẻ. Trẻ rất cần những kỹ năng quan hệ xã hội như làm thế nào để hòa hợp với mọi người, để giao tiếp, để chọn hành vi đúng đắn.
Trong xã hội công nghiệp hoá hiện đại hoá hiện nay, con người cũng bận rộn hơn. Trong sự bận rộn ấy, đôi khi chúng ta vô tình bỏ lại phía sau sự yêu thương, chia sẻ của mình đối với những người khác trong gia đình, xã hội. Sự yêu thương chia sẻ có thể biểu hiện bằng những cử chỉ rất đơn giản trong cuộc sống song nó giúp chúng ta phát hiện được nhiều điều đáng quý của người khác để trân trọng và học tập. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần hiểu rằng cho dù ở thời đại nào thì yêu thương và chia sẻ vẫn là điều cần thiết để giúp con người vượt qua nỗi đau của cuộc sống. Là sợi dây nhân ái gắn bó người với người, nhà với nhà và quan trọng hơn nó gắn kết toàn xã hội. Sự phát triển của công nghệ hiện đại, sự đầy đủ về vật chất có thể sẽ biến các bé thành người ích kỷ chỉ biết đến mình. Những giá trị đạo đức như sự quan tâm chia sẻ đến mọi người được đánh giá qua cách ứng xử của cá nhân đối với người xung quanh, vì vậy dạy trẻ biết yêu thương, biết quan tâm chia sẻ ngay từ nhỏ sẽ là nền tảng để các bé trở thành những người có nhân cách tốt trong tương lai, những chủ nhân tài đức của một xã hội công bằng văn minh.
Là một giáo viên nhiều năm liền dạy lớp mẫu giáo bé 3-4 tuổi tôi luôn băn khoăn làm thế nào có thể định hướng các bé biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ với bạn bè, người thân và mọi người xung quanh. Do đó ngay từ tuổi mầm non chúng ta không chỉ trau dồi cho trẻ những kiến thức cơ bản về cuộc sống xung quanh mà điều quan trọng nhất đó là giáo dục trẻ về đạo đức làm người. Vì vậy dạy cho trẻ biết yêu thương và chia sẻ ngay từ nhỏ sẽ là những bước nền tảng để trẻ trở thành người có nhân cách tốt trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế ở lớp tôi có một số trẻ đã biết yêu thương, chia sẻ nhưng không phải lúc nào chúng cũng thể hiện sự cảm thông và nhường nhịn, các bé vẫn còn tranh giành đồ chơi, đánh bạn và rất nhiều phụ huynh phải than phiền vì con mình hư quá, ích kỉ quá lúc nào cũng bắt mọi người phải theo ý mình.
Vậy, làm thế nào để có thể định hướng và giáo dục các bé biết yêu thương, đoàn kết, quan tâm, chia sẻ với bạn bè và người thân?
Để trả lời câu hỏi này, tôi luôn mầy mò, ứng dụng các biện pháp, hình thức, tổ chức các hoạt động giúp trẻ trong lớp tôi có cơ hội được thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với cô giáo, bạn bè và mọi người xung quanh.
Chính vì vậy, tôi mạnh dạn trao đổi cùng các chị em đồng nghiệp, nghiên cứu đề tài: “Một số biện pháp giáo dục trẻ 3-4 tuổi biết yêu thương và chia sẽ tại trường mầm non Đại Hiệp”.
1.1. Các giải pháp thực hiện, các bước và cách thức thực hiện:
Giải pháp 1: Nghiên cứu tham khảo, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt tình hình thực tế về đặc điểm tâm sinh lí của trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi và tiến hành phân nhóm cho phù hợp tại lớp Bé 1 Trường Mầm non Đại Hiệp.
Muốn đưa chất lượng việc dạy trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh đạt hiệu quả cao xuất phát từ tình hình thực tế, dựa vào đặc điểm tâm sinh lý của trẻ tôi đã đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, tham khảo những tài liệu có nội dung về đề tài, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, của bản thân, nhận thức đúng đắn, hiểu được tầm quan trọng của vấn đề, nắm vững tình hình cụ thể của lớp. Xác định rõ những khó khăn và thuận lợi của nhà trường, của lớp, của bản thân, ngoài ra còn tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, tự học hỏi, nghiên cứu tài liệu. Từ đó tìm ra biện pháp thực hiện hữu hiệu nhất cho việc dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh cho trẻ 3 – 4 tuổi.
Trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ hàng ngày tôi luôn để ý quan sát tìm hiểu và phân tích đặc điểm tình hình tâm sinh lý của trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi, nghiên cứu qua tài liệu và áp dụng, phân tích tình hình tâm lý của trẻ tại lớp. Trước tiên tôi tiến hành phân tích đặc điểm tâm lý chung của trẻ trong độ tuổi, sau đó gần gũi tiếp xúc với từng cá nhân trẻ để có thể phân tích tình hình đặc điểm tâm lý riêng của từng cá nhân trẻ, ghi chép thật chi tiết ở nhật kí cuối ngày, sổ tay để từ đó có thể đưa ra những phương pháp rèn luyện cụ thể đạt hiệu quả cao.
Sau khi tiến hành phân tích đặc điểm tâm lý của từng cá nhân trẻ tôi bắt đầu tiến hành phân ra các nhóm như sau:
+ Nhóm những trẻ nhút nhát gồm các cháu: Nguyễn Hà Phương, Phạm Gia Hân, Phạm Thanh Duy, Nguyễn Khánh Chi, Nguyễn Quỳnh Chi, Đỗ Anh Đại, Dương Hoàng Lâm, Nguyễn Anh Thư, Hoàng Bảo Long, Nguyễn Thái An , Bùi Anh Tú, Trần Lâm Phong, Nguyễn Phương Vy, Phạm Duy Bảo An.
+ Nhóm những trẻ hiếu động gồm các cháu: Nguyễn Minh Quân, Hoàng Khánh Thăng, Nguyễn Gia Bảo, Phan Thái Bảo, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Long Thành, Đinh Quang Thái, Đỗ Việt Hoàng, Nguyễn Minh Khôi, Nguyễn Lê Bảo Châm, Nguyễn Thanh Hải.
+ Nhóm những trẻ nhanh nhẹn, mạnh dạn hoạt bát gồm các cháu: Trần Thanh Tâm, Trương Cát Tường Vy, Trần Khánh Huyền, Đàm An Nhiên, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thảo Linh, Phạm Đức Huy, Phạm Trần Tuấn Anh, Nguyễn Gia Hưng.
Sau khi phân nhóm, tôi sẽ dựa vào đó để sắp xếp trẻ ngồi theo 3 tổ sao cho mỗi tổ đều có trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, có trẻ nhút nhát để trẻ giúp đỡ nhau trong các hoạt động hàng ngày.
+ Trẻ nhút nhát ngồi cạnh trẻ nhanh nhẹn, mạnh dạn.
+ Trẻ hiếu động, cá biệt hay nói chuyện ngồi cạnh trẻ ngoan, ngồi gần cô giáo, để dễ quan sát và tiện cho việc quản lý trẻ tốt hơn.
Ví dụ: Trong hoạt động học toán, khi cho trẻ đi lấy đồ dùng, nhiều bạn nhanh nhẹn, hoạt bát đã lấy đồ dùng và về chỗ ngồi. Nhưng có bạn nhút nhát không dám lấy đồ dùng, lúc này tôi đã cho trẻ quan sát xem các bạn trong tổ của mình còn ai chưa lấy được đồ dùng, tôi đã hướng trẻ “Ai có thể giúp bạn lấy đồ dùng?” và nhiều bạn trong lớp đã xung phong lên lấy giúp bạn. Sau khi trẻ lấy đồ dùng cho bạn, tôi đã khen ngợi và tuyên dương trẻ, mặt khác tôi động viên bạn nhút nhát lần sau con cố gắng lấy đồ dùng nhanh như các bạn và có thể giúp các bạn lấy đồ dùng để được cô giáo khen.
Giải pháp 2: Xây dựng môi trường lớp học thân thiện cởi mở
Xây dựng môi trường lớp học thân thiện sẽ góp phần vào việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Nhận thức được điều đó tôi đã trao đổi và cùng thống nhất với giáo viên cùng lớp sẽ mang đến cho trẻ bầu không khí lớp học thật ấm áp tràn ngập yêu thương như ngôi nhà thứ hai của trẻ, tôi cũng giống như một người bạn lớn để trẻ có thể an tâm chia sẻ những thắc mắc, băn khoăn cũng như những “bức xúc” rất trẻ con của mình. Trẻ ở lớp tôi tương đối hiếu động, nghịch nên tôi đã trò chuyện với trẻ cùng trẻ đề ra các nội quy của lớp là: Phải đoàn kết yêu thương, giúp đỡ bạn, không được đánh bạn, tranh giành đồ chơi với bạn. Tôi cũng quy định với trẻ nếu cả tuần đều ngoan không vi phạm nội quy của lớp thì cuối tuần sẽ được nhận phiếu bé ngoan và cuối tháng sẽ được quà của lớp. Những nội quy đó trẻ được nghe nhắc lại mỗi ngày nên trẻ cố gắng thực hiện để được nhận phiếu bé ngoan, được cô giáo và các bạn khen, lại được quà của lớp, của ba mẹ.
Với quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tôi tận dụng tối đa các sản phẩm của trẻ để trang trí lớp, trẻ được vẽ, xé, nặn các sản phẩm để trang trí lớp.
Với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ là dễ bắt chước thế nên muốn dạy bé thành người biết yêu thương chia sẻ thì cô giáo và bố mẹ phải là tấm gương để các bé noi theo và học tập. Chính vì vậy, trước mặt trẻ các cô giáo ở lớp tôi luôn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ cũng như thể hiện tình cảm theo hướng tích cực với chị em đồng nghiệp, với phụ huynh và đặc biệt là đối với trẻ.
Giải pháp 3: Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ thông qua trò chơi tập thể, trong các hoạt động học, thông qua hoạt động khác
* Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ thông qua trò chơi tập thể :
Thông qua các trò chơi, các hoạt động tập thể trẻ sẽ cảm thấy thân thiện hơn và gần gũi hơn. Ý thức và tinh thần tập thể sẽ giúp trẻ tránh được những xung đột không đáng có giữa trẻ với nhau, giữa trẻ với cô, làm nảy sinh ở trẻ lòng vị tha, sự quan tâm đến người khác.
Trong quá trình dạy trẻ tôi đã sưu tầm được một số trò chơi giúp trẻ thân thiện, đoàn kết hơn với bạn.
Ví dụ:
* Trò chơi 1: “Lời nói yêu thương”
– Mục đích: Phát triển kĩ năng thể hiện tình cảm và nói lời yêu thương của trẻ. (Trò chơi mang lại cho người nghe rất nhiều niềm vui, hạnh phúc khi được quan tâm, sẻ chia. Trò chơi này có thể sử dụng trong các buổi giao lưu hoặc tổ chức sự kiện).
– Chuẩn bị: Một khăn tay.
– Tiến hành: Cô giáo giúp trẻ bịt mắt người được mời đi trong đường hầm. Các trẻ xếp thành hai hàng dọc, một trẻ sẽ dẫn người bị bít mắt đến từng hàng, các trẻ khác lần lượt nói thầm lời khen tặng, lời yêu thương với người bị bịt mắt: “Bạn thật xinh đẹp, bạn học giỏi thế, tớ yêu bạn lắm”…
* Trò chơi 2: “Cặp đôi hoàn hảo”
– Mục đích: Trẻ biết phối hợp cùng nhau dùng tấm vải để bưng quả bóng về đích, sao cho không làm rơi quả bóng xuống đất.
– Cách chơi: Cho 2 trẻ dùng tấm vải sau đó nhặt quả bóng bỏ vào trong tấm vải và sau đó kiêng quả bóng về đích.
* Trò chơi 3: “Chúng tôi là một đôi”
– Mục đích: Trẻ biết cùng nhau phối hợp để kẹp và giữ quả bong bóng không làm rơi xuống đất
– Chuẩn bị: Phòng rộng.
– Tiến hành: Cô cho trẻ chọn bạn cùng nhau kẹp và giữ quả bong bóng trên đầu và cùng nhau bước đi mang quả bóng về đích.
* Trò chơi 4: “Bé nào giỏi”
– Mục đích: Trẻ biết phối hợp cùng bạn chơi để cùng gánh quả trên vai và bước đi nhịp nhàng trên ghế thể dục
– Chuẩn bị: Sân chơi rộng rãi
– Tiến hành: Cô cho trẻ chọn quả bỏ vào rổ sau đó cùng bạn gánh quả và bước đi trên ghế thể dục
* Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ trong hoạt động học:
Hoạt động học là hình thức dạy học đóng vai trò chủ chốt, ở đó trẻ có thể tìm hiểu cuộc sống xung quanh, tìm hiểu thế giới vạn vật một cách có tổ chức nhất là tiếp thu các kiến thức, kỹ năng sống theo một chương trình có tính hệ thống.Thông qua hoạt động học dạy trẻ còn biết quan tâm mọi người xung quanh, biết yêu thương những người thân trong gia đình, quan tâm đến bạn bè, đến những người lao động, dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ với những người bất hạnh những bạn nhỏ mồ côi, biết yêu thương quan tâm chăm sóc cây cối và các con vật nuôi. Chính vì vậy tôi đã nghiên cứu, thiết kế một số hoạt động nhằm dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ.
* Hoạt động: Tạo hình
Đề tài: Nặn vòng tặng bạn
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
– Trẻ biết sử dụng đất sét (nhồi đất, xoay tròn, lăn dọc…) để nặn vòng theo đúng quy trình.
– Trẻ có kỹ năng bẻ cong đất nặn. Phát triển cơ các ngón tay thông qua hoạt động.
– Trẻ biết yêu quý sản phẩm của mình làm ra. Biết yêu quý bạn bè trong lớp.
II. CHUẨN BỊ
+ Mẫu của cô.
+ Đất nặn
+ Khăn lau tay, dĩa.
III .TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG
1. Hoạt đông mở đầu
– Cho trẻ giới thiệu về ngày sinh nhật của mình
– Hát “Mừng sinh nhật”
2. Hoạt động trọng tâm
a) Hoạt động 1: Giới thiệu mẫu và hướng dẫn kỹ năng nặn vòng
– Cho trẻ xem chiếc vòng thật và trò chuyện về màu sắc, hình dạng chiếc vòng thật.
– Cho trẻ xem vật mẫu của cô và nhận xét:
+ Các con nhìn xem cô có gì đây nào?
+ Chiếc vòng này được làm bằng chất liệu gì?
+ Chiếc vòng này như thế nào?
– Hôm nay là sinh nhật của bạn Mộc Miên các con có thích làm những chiếc vòng xinh xắn để tặng bạn không?.
– Cô hướng dẫn cách làm: Để làm được chiếc vòng, con lấy đất nặn vừa lòng bàn tay, nhồi đất cho thật mềm sau đó xoay tròn rồi lăn dọc cho đất dài ra, tiếp theo các con uốn cong lại và gắn hai đầu với nhau sao cho giống chiếc vòng.
– Cho trẻ nhắc lại kỹ năng nặn vòng
– Cả lớp hát bài “Bàn tay nắm lại” và về bàn ngồi.
b) Hoạt động 2: Trẻ thực hành
– Trẻ chọn đất nặn để làm chiếc vòng.
– Trong quá trình trẻ nặn, cô đến từng bàn và hỏi:
+ Con đang làm gì vậy?
+ Con nặn vòng như thế nào?
– Cô động viên, gợi ý để trẻ hoàn thành sản phẩm của mình.
– Nhận xét sản phẩm tại bàn.
c) Hoạt động 3: Trưng bày và nhận xét sản phẩm
– Cho trẻ đem sản phẩm lên trưng bày.
– Cô và trẻ cùng nhận xét sản phẩm.
+ Giáo dục: Trẻ biết yêu quý bạn bè trong lớp, biết chia sẻ đồ chơi cho bạn, chơi đoàn kết với bạn.
3. Hoạt động kết thúc
– Hát “Mừng sinh nhật”
* Hoạt động: Khám phá xã hội
Đề tài: Ngày chủ nhật tuyệt vời
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
– Trẻ biết ngày chủ nhật là ngày nghĩ cuối tuần của tất cả mọi người, được tự do vui chơi thoải mái (đi chơi công viên, đi thăm ông bà, đi siêu thị, nhà sách… với bố mẹ).
– Trẻ có kỹ năng quan sát, nhận xét. Phát triển vốn từ, nói to, rõ ràng.
– Trẻ biết yêu thương vâng lời bố mẹ, biết quan tâm đến những người thân trong gia đình.
II. CHUẨN BỊ
+ Quay phim các cảnh: đi chơi siêu thị, đi nhà sách, thăm ông bà, đi chơi công viên … của gia đình các bạn trong lớp.
+ Tranh lôtô về các loại thức ăn khô, trang phục, dụng cụ, đồ dùng.
III. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG
1. Hoạt động mở đầu:
– Cho cả lớp hát: “Cả tuần đều ngoan”
2. Hoạt động trọng tâm:
a) Hoạt động 1: Trò chuyện về các hoạt động của gia đình trong ngày chủ nhật
– Cô hỏi ngày chủ nhật ở nhà con thường làm gì?
– Con được bố mẹ đưa đi chơi ở đâu
+ Cô cho trẻ xem phim các cảnh sinh hoạt trong ngày nghỉ: cảnh phim gia đình bạn đi siêu thị mua sắm, đi thăm ông bà, đi nhà sách… Trong khi trẻ xem phim cô cùng trò chuyện với trẻ về nội dung của các đoạn phim.
– Trong các đoạn phim vừa xem con thích nhất là cuộc đi chơi của gia đình bạn nào? Vì sao?
b) Hoạt động 2: Trò chuyện về buổi đi chơi công viên
+ Cô cho trẻ xem cảnh gia đình cùng chuẩn bị đồ dùng, thức ăn và mang trang phục trước khi đi chơi. Và đặt câu hỏi đàm thoại :
– Các con hãy kể những đồ dùng mà gia đình bạn nhỏ đã chuẩn bị ?
– Nhà bạn mang theo những món ăn gì thế ?
– Đi chơi công viên chúng mình cùng mang trang phục như thế nào ?
– Các con có thích đi chơi với cô không? Cho trẻ làm động tác mô phỏng mang trang phục, đội mũ, mang thức ăn và đồ dùng, cô mở nhạc nền cho trẻ đi quanh lớp
+ Giáo dục: Trẻ biết quan tâm đến những người thân trong gia đình mình
– Để được bố mẹ đưa đi chơi các con phải làm gì ?
– Khi dược đi chơi các con phải như thế nào ?
c) Hoạt động 3: Trò chơi: “Nhanh tay chọn hình đúng”
– Chia trẻ làm 4 nhóm thi đua chọn hình ảnh đồ dùng, thức ăn, trang phục theo yêu cầu của cô, nhóm nào chọn nhanh và đúng sẽ thắng cuộc
3. Hoạt động kết thúc:
– Cho cả lớp hát: “Cả nhà thương nhau”
* Hoạt động: Đọc thơ
Đề tài: Chiếc quạt nan
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
– Trẻ hiểu nội dung bài thơ, cảm nhận âm điệu của bài thơ “Chiếc quạt nan”
– Trẻ trả lời được câu hỏi của cô, thuộc thơ, thể hiện được tình cảm của bài thơ.
– Trẻ yêu thương, kính trọng, biết vâng lời người thân của mình. Biết giữ gìn đồ dùng đồ chơi.
II. CHUẨN BỊ
– Sidle về nội dung bài thơ “Chiếc quạt nan”
– Các mảnh ghép rời cho trẻ chơi trò chơi ghép hình.
III. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG
1. Hoạt động mở đầu
– Cho trẻ chơi “Trời tối – trời sáng”
2. Hoạt động trọng tâm
a) Hoạt động 1: Giới thiệu bài thơ và đọc cho trẻ nghe
– Cô đưa chiếc quạt và hỏi trẻ đó là cái gì ?
– Chiếc quạt này có trong bài thơ nào?
– Cô đọc thơ cho trẻ nghe .
– Cô đọc một lần kết hợp xem sidle.
– Đàm thoại – trích dẫn
+ Trong bài thơ ai đã cho bé chiếc quạt ? Chiếc quạt như thế nào?
TD: “Bà cho cháu chiếc quạt
Viền nan đỏ nan xanh
Chiếc quạt nhỏ xinh xinh
Em quạt gọi gió đến”
+ Khi bà cho chiếc quạt thì bé ước điều gì?
“Ước gì em mau lớn
Ngày đêm quạt cho bà
Bà ngon giấc ngủ say
Bàn tay em gọi gió”
– Các con có thương bà của mình không? Thương bà các con phải làm gì?
* Giáo dục: Các con phải biết yêu thương, kính trọng và vâng lời bà của mình.
b) Hoạt động 2: Trẻ đọc thơ
– Cho cả lớp đọc thơ .
– Cho nhóm trẻ đọc thơ (Bạn trai, bạn gái)
– Đọc thơ nối tiếp (đội hình 3 nhóm)
– Cá nhân, nhóm đọc thơ
c) Hoạt động 3: Trò chơi: “Đội nào nhanh nhất”
– Cách chơi: Cô chuẩn bị tranh các mảnh ghép rời về nội dung bài thơ, cho trẻ về nhóm ghép các mảnh rời lại với nhau. Đội nào ghép nhanh và đúng đội đó chiến thắng.
– Cô theo dõi, động viên trẻ chơi tốt.
3. Kết thúc họat động
– Cả lớp chơi “Kéo cưa lừa xẻ”
*Hoạt động: Khám phá xã hội
Đề tài: Tìm hiểu về nghề nông
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
– Trẻ biết nơi làm việc, công việc, dụng cụ lao động và biết gọi tên một số sản phẩm của nghề nông
– Trẻ có kỹ năng trả lời mạch lạc câu hỏi của cô, phát triển vôn từ. Kỹ năng chơi tốt trò chơi.
– Trẻ biết yêu quý và biết ơn các bác nông dân đã vất vã làm việc để mang đến những sản phẩm cần thiết cho con người.
II. CHUẨN BỊ
+ Hình ảnh về mô tả công việc, dụng cụ lao động, sản phẩm của nghề nông
+ Lô tô dụng cụ các nghề
III. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG
1. Mở đầu hoạt động
– Cho trẻ nghe bài hát ‘‘Tía má em”
2. Hoạt động trọng tâm
a) Hoạt động 1: Trò chuyện về nơi làm việc, công việc của bác nông dân
– Bác nông dân thường làm việc ở đâu?
– Công việc chủ yếu của bác nông dân là làm gì?
– Để các loại cây có năng suất cao, các bác nông dân phải làm gì?
– Để nuôi được gia súc, gia cầm, bác nông dân phải làm những gì?
b) Hoạt động 2: Tìm hiểu về dụng cụ lao động và một số sản phẩm của nghề nông
– Cho trẻ nghe bài hát “Hạt gạo làng ta”
+ Để làm ra những sản phẩm tốt bác nông dân cần có dụng cụ gì?
+ Con hãy kể tên những dụng cụ dùng để tưới nước, phun thuốc cho cây?
+ Những dụng cụ, máy móc nào để thu hoạch lúa?
– Cho trẻ đến góc phân vai chơi chọn một số sản phẩm của nghề nông
+ Các con hãy kể tên các sản phẩm cây trồng do bác nông dân làm ra?
+ Nhìn những cánh đồng lúa và đồng rau con cảm thấy thế nào?
+ Con hãy kể tên các sản phẩm chăn nuôi do bác nông dân làm ra?
Giáo dục: Trẻ biết yêu quý, biết ơn các bác nông dân đã vất vã làm việc để mang đến những sản phẩm cần thiết cho con người. Khi ăn không làm rơi vãi thức ăn.
c) Hoạt động 3: Trò chơi “Đội nào giỏi nhất?”
– Cô chuẩn bị tranh ảnh một số đồ dùng, dụng cụ của các nghề trong 3 rổ. Chia trẻ thành 3 đội thi đua lên chọn những dụng cụ lao động, các sản phẩm cuả nghề nông. Nếu đội nào chọn được đúng và nhiều đội đó sẽ giành chiến thắng
3. Hoạt động kết thúc:
– Cho cả lớp chơi “Dung dăng dung dẻ”
*Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ thông qua hoạt động khác:
– Hoạt động đón trẻ: Theo từng chủ đề mà giáo viên sẽ lựa chọn những nội dung trò chuyện phù hợp
Ví dụ: Với chủ đề gia đình tôi đưa ra các câu hỏi: Gia đình có những ai? Sáng nay ai đưa con đi học? Ba mẹ là người vất vả làm việc để lo cho các con thì các con sẽ làm gì để cho ba mẹ vui lòng?
– Hoạt động vui chơi: Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, thông qua việc thể hiện các vai chơi giáo viên hướng trẻ thể hiện tốt vai chơi và mối quan hệ của các vai chơi, thông qua vui chơi tình cảm của trẻ cũng được thể hiện, biết chia sẻ đồ chơi cùng bạn, không tranh giành đồ chơi với bạn.
– Hoạt động ngoài trời: Dạy trẻ biết xếp hàng lên xuống cầu thang không chen lấn xô đẩy bạn, biết phối hợp chơi cùng bạn không tranh giành đồ chơi trong khi chơi.
– Thông qua hoạt động lao động: Tôi cho trẻ đi nhặt lá vàng, tưới nước và chăm sóc cây, biết phối hợp phân công và cùng thực hiện công việc trực nhật của tổ mình.
– Giờ ăn: Trẻ biết giúp đỡ cô một số công việc vừa sức như kê ghế, trải khăn bàn, bỏ thìa, bình hoa..
– Giờ ngủ: Cho trẻ lần lượt đi vệ sinh không chen lấn xô đẩy nhau, không giành dép, không kéo chăn, giành gối của bạn.
– Hoạt động chiều: Giáo dục trẻ biết phối hợp chơi cùng bạn tốt, không tranh giành đồ chơi với bạn.
Giải pháp 4: Nêu gương tốt thông qua các hoạt động trong ngày:
Trẻ 3 – 4 tuổi với đặc điểm tâm lý của trẻ phát triển mạnh, trẻ còn bé hay tò mò thích bắt chước, tôi luôn tôn trọng trẻ và hết sức công bằng, sử dụng khen, chê đúng mực. Khen và chê có tác dụng mạnh đến hành vi vâng lời của trẻ, không nên khen trẻ quá nhưng cũng đặc biệt là không nên chê trách trẻ quá mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chỉ bảo để không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Vì nếu khen quá sẽ làm cho trẻ tự kiêu, còn nếu chê trẻ trực tiếp sẽ làm cho trẻ buồn, tự ti không dám mạnh dạn biểu lộ bản thân, nên tôi thường khen những gương tốt để trẻ bắt chước.
Ví dụ: Cô khen những trẻ đi học ngoan, đến lớp biết quan tâm chia sẻ, giúp đỡ bạn, biết chào cô khi đến lớp, không khóc nhè. Ngoài ra tôi còn giáo dục trẻ thông qua các bài hát, bài thơ, câu chuyện về gương tốt ở mọi lúc mọi nơi.
Ví dụ: Thông qua bài thơ “Bạn mới” có thể giáo dục trẻ thói quen giúp đỡ lẫn nhau, hay thông qua câu chuyện “Đôi bạn tốt” giáo dục trẻ biết giúp đỡ bạn khi bạn gặp nguy hiểm; qua truyện “Thỏ ngoan” giáo dục trẻ biết giúp đỡ mọi người khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Với bài hát “Cả nhà thương nhau” giáo dục trẻ biết yêu thương những người thân trong gia đình. Từ đó, có thể giúp trẻ biết yêu thương, quan tâm chia sẻ với mọi người xung quanh tốt hơn. Cô không nên chê trẻ trước tập thể lớp mà nên gần gũi để góp ý nhỏ với trẻ về một số việc làm chưa tốt .
Ví dụ: Khi tổ chức hoạt động chơi ở các góc còn một vài cháu hay tranh giành đồ chơi của bạn tôi đến gần trẻ nhắc nhở nhẹ, động viên, tạo tình huống cho trẻ chơi chung nhau. Kết thúc hoạt động tôi tuyên dương các bạn trước tập thể lớp từ đó kích thích trẻ biết chia sẻ hơn với bạn bè.
Trong quá trình thực hiện các hoạt động trong ngày, tôi dựa vào lúc có điều kiện, trong giờ hoạt động nào đó có thể lồng ghép kể những câu chuyện về những tấm gương tốt, những việc làm tốt để trẻ có thể học tập, bắt chước làm theo, tôi đã tranh thủ cơ hội đó để thay đổi trẻ bằng mọi hình thức. Ví dụ: Từ câu chuyện “Đôi bạn tốt”; Bài thơ “Bạn mới”; “Tình bạn”. Hay bạn trong lớp biết giúp bạn. Từ sự giúp đỡ của cô giáo mà tính ích kỉ của trẻ dần được cải thiện. Bên cạnh đó được cô tạo điều kiện giúp đỡ và được rèn luyện mà trẻ đã thực sự hoà nhập cùng các bạn và những quy định của lớp một cách thoải mái, dễ dàng và tự tin.
Giải pháp 5: Tích cực tuyên truyền kết hợp với phụ huynh dạy trẻ biết yêu thương, quan tâm chia sẻ với mọi người xung quanh.
Nhân cách của trẻ không phải ngẫu nhiên mà có, nó được hình thành trên cơ sở của giáo dục, mà trong đó giáo dục gia đình là những bước đi đầu tiên rất quan trọng. Đúng vậy, yêu thương trước hết phải bắt nguồn từ gia đình. Cha mẹ có yêu thương con cái thì con cái mới khôn lớn, thành người và con cái cũng phải biết ơn, biết yêu thương cha mẹ để khi trưởng thành sẽ vững vàng hơn trong cuộc sống, trong học tập và công việc để trở thành điểm tựa của gia đình, của cha mẹ. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần là người bạn đồng hành cùng chí hướng để việc chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả. Tôi đã phối hợp với phụ huynh, giúp phụ huynh nắm được phương pháp giáo dục của nhà trường, thông qua đó phụ huynh sẽ hiểu rõ những hoạt động của trẻ ở lớp và có thể tham gia đánh giá sự phát triển của con mình. Mặt khác,việc phối hợp cũng giúp phụ huynh cũng đánh giá được cách giáo dục của mình có phù hợp với nhà trường không. Và quan trọng hơn là phụ huynh có điều kiện tiếp xúc với môi trường học tập sinh hoạt của trẻ, có điều kiện gần gũi với giáo viên từ đó tạo sợi dây liên kết giữa gia đình và nhà trường, giúp trẻ được sống trong một môi trường giáo dục tốt, qua đó còn dạy cho trẻ bài học cần phải có mối quan hệ tích cực với những người xung quanh.
Một số biện pháp mà tôi đã sưu tầm để tuyên truyền, gợi ý phụ huynh nên quan tâm và dạy trẻ:
– Tập cho bé phụ giúp những việc nhỏ trong nhà:
Phụ huynh nên tập cho bé biết quan tâm giúp đỡ người thân những việc nhỏ trong gia đình như: Chơi với em, xếp quần áo, lấy nước, lấy tăm cho ông bà khi ăn cơm xong…,
– Hướng cho con biết hiểu và nghĩ đến người khác:
Tuyên truyền cho phụ huynh nên giáo dục con bằng những câu chuyện, những cuốn sách, những bộ phim mang tính giáo dục cao, kể cho con nghe về những con người đã và đang phải chịu đau khổ, từ đó hình thành cho trẻ tình yêu thương, sự quan tâm, lòng cảm thương với con người, ví dụ như kể cho trẻ nghe về những ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt mà người dân miền trung phải chịu và hướng cho trẻ nói lên được những việc làm mà trẻ sẽ làm để giúp đỡ mọi người
– Động viên, khen ngợi kịp thời khi trẻ làm điều tốt:
Bố mẹ hãy khen ngợi con kịp thời khi con có một hành động tốt, hãy bảo với con rằng bé đã làm đúng. Những lời khen của bố mẹ càng cụ thể càng tốt, và chỉ nên hướng vào nổ lực của bé không nên khen vào kết quả bé đã làm được. Ví dụ: “Giờ cơm hôm nay mẹ thấy con biết phụ mẹ lấy chén, đũa, mang thức ăn lên cho cả nhà cùng ăn. Mẹ rất vui và hài lòng vì con đã biết phụ giúp mẹ”
– Dạy con cách biểu hiện yêu thương:
Yêu thương cũng là bài học đầu tiên mà mỗi đứa trẻ cảm nhận được ngay khi lọt lòng mẹ tuy nhiên để các em thể hiện được nó, bạn hãy chỉ cho con thực hành. Biết kính trọng người lớn tuổi, nhường nhịn trẻ em, chia sẻ giúp đỡ bạn bè, người khó khăn…. là cách thể hiện tình yêu thương giản dị mà chân thành. Ngay cả việc bé biết nghe lời người lớn, chăm ngoan học tập cũng là cách bé biết yêu thương bố mẹ rồi. Những hành động nhỏ nhưng thể hiện tình yêu thương sâu sắc, hãy khuyến khích các em làm việc đó. Điều quan trọng là bé biết cách vận dụng nó ngay trong cuộc sống hằng ngày để cha mẹ, ông bà, mọi người xung quanh cảm nhận được. Với tâm lí trẻ nhỏ rất nhạy cảm, tinh tế, vì vậy các em sẽ biết cách thể hiện sự yêu thương một cách linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Để trẻ không bị lợi dụng lòng tốt, các bậc cha mẹ cũng cần nói rõ cho con biết không nên quá tin tưởng vào người lạ hoặc không cần phải làm theo yêu cầu của họ để tránh bị dụ dỗ.
1.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết (nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở):
Khi thực hiện đề tài “Một số biện pháp giáo dục trẻ 3-4 tuổi biết yêu thương và chia sẽ tại trường mầm non Đại Hiệp” tại lớp Bé 1 trường mầm non Đại Hiệp có những thuận lợi và khó khăn như sau:
* Thuận lợi:
– Nhà truờng luôn tạo mọi điều kiện cho giáo viên thực hiện tốt công việc của mình.
– Nhà truờng đã trang bị đầy đủ tài liệu học, học liệu, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên về kỹ năng sống cho trẻ.
– Nhà trường luôn quan tâm đến việc rèn luyện và giáo dục nhân cách cho trẻ.
– Bản thân tôi là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ, yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết với nghề, có tinh thần học hỏi, luôn trao dồi về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực sư phạm.
– Đa số phụ huynh nhiệt tình, quan tâm đến trẻ.
* Khó khăn:
– Lớp có một số trẻ quá hiếu động như bé: Minh Khang, Toàn Quang… khả năng tập trung chú ý chưa cao hay nghịch ngợm. Bên cạnh đó, lớp lại có một số bé khá nhút nhát, thể trạng yếu không thích tham gia các hoạt động tập thể như bé Thiên Hùng, Vy Anh.
– Một số trẻ chưa mạnh dạn thể hiện tình cảm của mình cho các bạn và mọi người xung quanh.
– Khả năng phân biệt về nhận thức, quan tâm đến mọi người ở một số cháu lớp tôi rất kém, trẻ chỉ biết ích lợi của bản thân mà không để ý đến mọi người xung quanh.
– Hoàn cảnh và sự quan tâm của phụ huynh đối với con giữa các phụ huynh trong lớp không đồng đều. Một số bậc phụ huynh còn quá chú trọng đến việc làm kinh tế ít quan tâm nên không có nhiều thời gian dành cho con.
– Nhiều phụ huynh còn nhầm lẫn giữa sự yêu thương và bao bọc. Đôi khi yêu con quá mà “Che chắn” con quá kỹ. Một số phụ huynh chưa hiểu được tầm quan trọng của việc dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ.
1.3. Nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại (nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở):
Từ những ưu và nhược điểm đã rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện trước đây về việc giáo dục trẻ 3-4 tuổi biết yêu thương, chia sẽ với mọi người xung quanh, bản thân đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
– Việc dạy bé biết yêu thương chia sẻ giống như ta chắt lọc nguồn nước tinh khiết từ mạch nguồn yêu thương tưới cho những chồi non mới nhú -Việc làm này đòi hỏi giáo viên phải tận tâm tận lực.
– Không ngừng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện bản thân trở thành tấm gương cho trẻ noi theo học tập.
– Phối hợp tốt với phụ huynh, tạo mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa phụ huynh và nhà trường, đồng tâm hướng tới mục tiêu chung.
– Tạo môi trường lớp học thân thiện, có nhiều cơ hội cho trẻ vui chơi, sinh hoạt và học tập cùng nhau, để trẻ trải nghiệm kỹ năng chia sẻ.
– Thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động ngoại khoá, tham quan, lễ hội với các hình thức phong phú sinh động hấp dẫn tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm một cách tích cực kỹ năng quan tâm chia sẻ tới người thân, bạn bè, những cô bác trong trường, những bạn nhỏ cô đơn tàn tật, chăm sóc cây cối và các con vật nuôi.
– Muốn trẻ nên người và đạt hiệu quả giáo dục như mong muốn cô giáo phải dành nhiều thời gian thường xuyên dạy trẻ biết ‘yêu thương, chia sẻ”, sử dụng nhiều hình thức khác nhau và ở mọi lúc mọi nơi.
– Xây dựng một số giáo án, tổ chức các trò chơi để củng cố hiểu biết, kĩ năng cho trẻ.
1.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến8:
Những giải pháp trên rất dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao. Muốn trẻ nên người và đạt hiệu quả giáo dục như mong muốn cô giáo phải dành nhiều thời gian thường xuyên dạy trẻ biết “yêu thương chia sẻ”, sử dụng nhiều hình thức khác nhau và ở mọi lúc mọi nơi.
Do đó việc giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ cần được áp dụng càng sớm càng tốt và là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết để phát triển nhân cách trẻ ngay bây giờ và trong tương lai.
1.5. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:
Để sáng kiến áp dụng có hiệu quả cần phải đảm bảo các điều kiện sau:
a. Điều kiện về con người:
– Cần có sự thống nhất về kế hoạch, nội dung, hình thức tổ chức thực hiện của tập thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
– Tuyên truyền và vận động phụ huynh phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục trẻ biết yêu thương, chia sẽ với mọi người.
– Cô giáo phải có tấm lòng yêu trẻ, nhiệt tình, chịu thương chịu khó, tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu các phương pháp giáo dục kỹ năng cho trẻ.
– Sự hứng thú tham gia của học sinh.
b. Điều kiện về cơ sở vật chất:
– Cần phải lập được kế hoạch, xây dựng bài giảng giáo dục kỹ năng sống một cách cụ thể, chi tiết, sáng tạo.
– Cần có sự ủng hộ kinh phí từ phụ huynh học sinh, của nhà trường.
– Địa điểm tổ chức phải đảm bảo phù hợp, sạch sẽ và an toàn cho trẻ.
1.6. Hiệu quả sáng kiến mang lại9:
Qua quá trình áp dụng sáng kiến trong trường Mầm non Đại Hiệp thì lợi ích mà sáng kiến này đem lại có thể nói rất nhiều.
* Đối với trẻ:
– Có những thay đổi rõ rệt, giờ đây các bé đều rất vui vẻ tự tin khi đến lớp, thân thiết nhau hơn, không còn hiện tượng tranh giành đồ chơi hay đánh bạn nữa.
– Không những thế các bé còn biết quan tâm chia sẻ với cô giáo và bạn bè, người thân, biết chia sẻ yêu thương với các cô bác trong trường. Biết cảm thông chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh.
– Trẻ biết yêu thương chăm sóc các con vật nuôi và cây cối thiên nhiên.
– Trẻ có ý thức, trách nhiệm hơn trước trong mọi hành vi, hành động của mình.
* Đối với giáo viên:
– Đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.
– Bản thân tích luỹ thêm được kinh nghiệm dạy trẻ biết yêu thương và chia sẻ.
– Nhận được nhiều niềm vui và tình cảm yêu quí tin tưởng từ phía phụ huynh, học sinh, chị em đồng nghiệp.
* Đối với CMHS:
– Giúp cha mẹ học sinh hiểu rõ hơn về chương trình giáo dục mầm non.
– Có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên lớp trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
– Thực hiện gắn liền kết hợp: “Nhà trường, gia đình, xã hội” trong phương châm giáo dục.
Sau thời gian thực hiện các giải pháp thì kết quả trên trẻ như sau:
TSTT Nội dung khảo sát
Trẻ đạt
Tỉ lệ Trẻ chưa đạt
Tỉ lệ

1 Yêu thương người thân trong gia đình. 25/25 100% 0 0%
2 Quan tâm đến bạn bè. 22/25 91% 3 9%
3 Quan tâm, chia sẽ các bạn nhỏ bất hạnh 24/25 97% 1 3%

4 Yêu thương, quan tâm người lao động 23/25 88% 2 12%
5 Yêu thiên nhiên, cây cối, động vật. 23/25 94% 2 6%
2. Những thông tin cần được bảo mật: Không
3. Danh sách những thành viên đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng
sáng kiến lần đầu – nếu có:
TT Họ và tên Nơi công tác Nơi áp dụng sáng kiến Ghi chú
1 Phạm Thị Thanh Thủy Trường MN Đại Hiệp Tại lớp Bé 2 trường MN Đại Hiệp
2 Phạm Thị Tố Trinh Trường MN Đại Hiệp Tại lớp Bé 3 trường MN Đại Hiệp
4. Hồ sơ kèm theo (Bản mô tả nội dung sáng kiến có thể minh họa bằng các
bản vẽ, thiết kế, sơ đồ, ảnh chụp mẫu sản phẩm…)
Xác nhận và đề nghị của Đại Hiệp, ngày 10 tháng 11 năm 2022
cơ quan, đơn vị tác giả công tác Người nộp đơn

Nguyễn Vũ Trà

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.