Website Trường Mầm Non Đại Hiệp – Đại Lộc – Quảng Nam

Giáo án hoạt động giáo dục âm nhạc; Đề tài: Vận động “Hai chú cún con”

GIÁO ÁN THAO GIÃNG CHUYÊN ĐỀ CẤP TRƯỜNG
HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC ÂM NHẠC
CHỦ ĐỀ: ĐỘNG VẬT
ĐỀ TÀI : VẬN ĐỘNG “HAI CHÚ CÚN CON”
ĐỐI TƯỢNG: 5-6 TUỔI
Giáo viên: Nguyễn Thị Lệ Hằng
NĂM HỌC: 2019 – 2020

I. Mục đích yêu cầu
1. Kiến thức
– Trẻ hiểu nội dung và hát rõ lời, đúng giai điệu bài hát “Hai chú cún con”, biết vận động minh họa theo nhạc bài hát “Hai chú cún con”.
– Trẻ biết tên bài hát nghe : “Con mèo trèo cây cau”. Trẻ nghe, cảm nhận được giai điệu rộn ràng vui tươi của bài hát nghe và minh họa cùng cô theo bài “Con mèo trèo cây cau” một cách hồn nhiên trong sáng.
2. Kỹ năng
– Rèn kỹ năng cảm thụ âm nhạc, kỹ năng hát kết hợp vận động theo nội dung và nhịp điệu bài hát.
– Rèn kỹ năng vận động tự nhiên theo giai điệu bài hát qua trò chơi cho trẻ.
3. Thái độ
– Trẻ biết đoàn kết trong khi chơi.
– Trẻ biết yêu quý các con vật nuôi trong gia đình.
II. Chuẩn bị
1. Chuẩn bị của cô
– Giáo án
– Giáo án điện tử
– Dụng cụ âm nhạc ( phách, mõ, xắc xô, nơ tay, xù)
– Nhạc bài hát “ Con mèo trèo cây cau ”, “ Gà trống thổi kèn”, “Vì sao con mèo rửa mặt”, “Đố bạn”.
– Xúc xắc có dán hình một số con vật.
2. Chuẩn bị của trẻ
– Trang phục, nơ đeo tay, dụng cụ âm nhạc: trống, sắc xô, phách tre, mõ.
– Mũ cún con, mèo con, gà con.
III. Tiến hành hoạt động:
1.Hoạt động mở đầu:
Giới thiệu chương trình “Bé yêu âm nhạc”.
Trong chương trình “ Bé yêu âm nhạc ngày hôm nay, cô Hằng xin được đồng hành cùng tất cả các bạn trong vai trò là người dẫn chương trình.
– 3 đội vận động theo nhạc bài “ Chicken Dance”.
– Giới thiệu 3 đội chơi:
+ Đội Gà con
+ Đội Mèo con
+ Đội Cún con
– Chương trình ngày hôm nay sẽ trải qua các phần chơi như sau:
Phần 1: Tài năng tỏa sáng
Phần 2: Trò chơi âm nhạc
Phần 3: Giai điệu vui nhộn
2.Hoạt động nhận thức:
* Hoạt động 1: Hát và vận động
Phần 1: Tài năng tỏa sáng
– Trong phần đầu tiên “ Tài năng tỏa sáng” các đội sẽ được nghe giai điệu của một bài hát và nhiệm vụ của cả 3 đội là đoán xem đó là bài hát nào.
Cô cho trẻ nghe giai điệu bài hát “Hai chú cún con”.
– Đó là giai điệu của bài hát nào?
– Bài hát Hai chú cún con do ai sáng tác? (nhạc sĩ Cù Minh Nhật)
– Cô và trẻ cùng thể hiện bài hát (1 lần).
Giảng nội dung bài hát: Bài hát “Hai chú cún con” nói về hai chú cún con cùng nhau chơi với bóng rất vui ở trên sân đấy các con ạ. Và không nên ham chơi quá vì trời sắp mưa to, hai chú cún con dễ bị ốm sẽ làm mẹ buồn đấy!
– Qua bài hát tác giả muốn nhắn nhủ tới chúng mình điều gì? ( khi chơi với nhau phải chơi ngoan và đoàn kết)
Giáo dục trẻ: Tác giả muốn nhắn nhủ tới chúng mình khi chơi phải chơi đoàn kết với nhau, không ham chơi dễ bị ốm mẹ chúng mình sẽ buồn đấy.
– Cho trẻ đứng thể hiện bài hát (1 lần).
– Bài hát sẽ hay hơn khi các đội thể hiện bài hát kết hợp vỗ đệm với nhạc cụ âm nhạc. Với bài hát này các con có thể vỗ đệm theo cách nào? (vỗ đệm theo tiết tấu chậm
– Cho trẻ hát và vỗ đệm theo tiết tấu chậm.
– Bạn nào cho cô biết cách vỗ đệm theo tiết tấu chậm? ( vỗ ba phách nghỉ một phách).
Ở những giờ học trước cô đã dậy chúng mình vỗ tay theo tiết tấu chậm rồi, đó là vỗ ba phách nghỉ một phách, ở bài này các con chú ý vỗ vào phách mạnh là vỗ vào chữ “chú”.
– Cho trẻ đứng hát và vỗ đệm theo tiết tấu chậm với các nhạc cụ âm nhạc.
– Vừa rồi các đội đã vỗ đệm theo tiết tấu chậm bài hát rất hay, vậy bạn nào có ý tưởng nào khác cho bài hát thêm sinh động không? ( vừa hát vừa múa)
Bạn có ý tưởng là vừa hát vừa kết hợp múa minh họa, chúng mình thấy ý tưởng của bạn thế nào? (rất hay).
– Cô và trẻ cùng múa minh họa bài hát.
– Cô thấy các đội đều hát rất hay, múa rất đẹp, cô Hằng cũng có một ý tưởng cho bài hát này, đó là vừa hát kết hợp múa minh họa theo các đội hình khác nhau đấy. Mời các đội cùng thể hiện.
Trẻ đứng vòng tròn múa (1 lần).
Trẻ trai bước lên thành vòng tròn nhỏ múa (1 lần)
Trẻ múa theo cặp hai trẻ quay mặt vào nhau múa.
Trẻ hát và về chỗ ngồi.
– Xin cảm ơn cả 3 đội chơi, cô thấy 3 đội chơi đã thể hiện giao lưu với nhau rất vui rồi, và bây giờ chính là lúc 3 đội chơi thể hiện thể hiện tài năng của mình và tỏa sáng tài năng của mình đấy.
Cho từng đội thể hiện múa minh họa bài hát theo các hình thức khác nhau.
– Mời nhóm trẻ lên múa minh họa.
– Mời cá nhân trẻ biểu diễn.
* Hoạt động 2: Trò chơi âm nhạc
Phần 2: Trò chơi âm nhạc “Xúc xắc diệu kì”
– Trong phần 2 của chương trình, các đội sẽ được tham gia trò chơi mang tên: Xúc xắc diệu kì
Cô nói cách chơi: trên mỗi mặt của quân xúc xắc đều có hình các con vật, nhiệm vụ của từng đội là lắc quân xúc xắc và đổ ra, khi xúc xắc rơi xuống mặt của con vật nào ở phía trên thì đội đó sẽ phải thể hiện bài hát nói về con vật đó
Luật chơi: các đội có 10 giây suy nghĩ để tìm ra câu trả lời.
Cho lần lượt từng đội chơi.
*Hoạt động 3: Nghe hát
Phần 3: Giai điệu vui nhộn
Vừa rồi cả 3 đội đã cùng trải qua hai phần thi của chương trình rất xuất sắc. Cô Hằng cũng muốn thể hiện tài năng của mình gửi tới chương trình, đó là bài hát: “ Con mèo trèo cây cau” sáng tác: Lê Thương
– Lần 1: Cô hát cho trẻ nghe kết hợp cử chỉ điệu bộ
Cô vừa hát bài hát gì?
Giảng nội dung: Bài hát này nói về một chú mèo đến hỏi thăm chú chuột nhưng chú chuột có nhà không? À chú chuột đã đi chợ mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo đấy!
– Lần 2: Cô cùng trẻ thể hiện
3. Kết thúc:
Vận động “Hai chú cún con”.

Cảm nhận của Phụ huynh

Anh Võ Thành Hưng – Phụ huynh bé: Võ Gia Huy – Lớp nhỡ

ôi chưa từng thấy một ngôi trường mầm non nào có sân chơi rộng rãi – sạch sẽ – thoáng mát và nhiều trò chơi bổ ích như ngôi trường mầm non này ! Thật là bất ngờ thú vị , nó giống như một công viên thiếu nhi thực thụ ! Hàng ngày mỗi buổi sáng , tôi đều cùng bé Gia Huy chơi đùa dưới sân trước giờ học, bé rất thích thú và học hỏi được nhiều điều mới lạ. Và từ một đứa bé rụt rè nhút nhát, đến nay, sau hơn 4 tháng học tập vui chơi ở đây, bé đã được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần lên rất nhiều !